Thị trường lao động Nhật Bản: Tín hiệu tích cực
- Đây thực sự là kết quả đáng ghi nhận trong việc nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, nếu tính mốc năm 2013, Việt Nam cán đích kỷ lục đưa được 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này. Ngoài đem lại mức thu nhập cao, lao động khi sang làm việc tại Nhật Bản còn nhận được nhiều cơ hội khác, như kỹ năng nghề, điều kiện làm việc và môi trường ổn định…
Nhưng cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, có được những con số ấn tượng này là do thị trường Nhật Bản đã nới lỏng một số điều kiện với lao động, bởi trước đây, thị trường này vốn nổi tiếng với những quy định tuyển chọn khắt khe. Trong hai năm trở đây, nhu cầu tuyển dụng lao động từ phía Nhật rất lớn, để phục vụ tái thiết đất nước cũng như đáp ứng nguồn nhân lực xây dựng các công trình Thế vận hội 2020. Các nghiệp đoàn, công ty Nhật Bản đã “nới lỏng” các chỉ tiêu tuyển dụng đầu vào, từ chiều cao, trình độ học vấn, ngoại ngữ, tay nghề … cũng như các thủ tục hành chính khác đã được tối giản để người lao động Việt Nam dễ dàng vượt qua các đợt thi tuyển sang làm việc tại thị trường Nhật Bản. Thời gian từ khâu đăng ký cho đến khi xuất cảnh cũng được rút ngắn...
Thị trường cung ứng và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đang dần ổn định và tăng về số lượng. Các lĩnh vực ngành nghề cũng đa dạng hơn, từ chỗ chỉ tiếp nhận lao động ở các ngành nghề kỹ thuật, cơ khí thì nay Nhật Bản đã mở rộng thêm một số ngành như xây dựng, may mặc, nông nghiệp, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất... Số lượng được tuyển sẽ không bị giới hạn mà tùy vào khả năng đàm phán của doanh nghiệp cử lao động đi.
Dù đón nhận nhiều tín hiệu tích cực và những cơ hội thuận lợi, với số lao động xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm vượt qua thị trường Hàn Quốc (6.662 lao động), Malaysia (4.553 lao động), Ả rập Xê út..., song xuất khẩu lao động sang Nhật Bản hiện nay vẫn thua xa so với thị trường Đài Loan (53.851 lao động). Bên cạnh những cơ hội rộng mở, xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản cũng không thể chủ quan.
Có thể thấy, dù được nới lỏng nhiều quy định, tiêu chuẩn so với trước đây, nhưng lao động Việt Nam khi ra làm việc tại nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng, vẫn thường bị phàn nàn về tác phong làm việc. Đó là chưa kể đến công tác bồi dưỡng, huấn luyện tay nghề lao động ngay từ khi còn ở Việt Nam vẫn nhiều hạn chế. |
Hoàng Hải