Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 2 tháng/2020 chỉ tăng 8,33% so với cùng kỳ
Chia sẻ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2020 của Tổ Điều hành thị trường trong nước diễn ra sáng ngày 28/2, đại diện Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương - thông tin, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã có tác động tiêu cực đến cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới. Bên cạnh đó, các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu. Nhìn chung giá các hàng hóa thiết yếu tại thị trường thế giới tháng 2/2020 đều có xu hướng giảm.
Trong nước, hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, hoạt động thương mại bị đình trệ do tâm lý e ngại của người dân trước diễn biến dịch bệnh lây lan mạnh tại các nước lân cận. Các hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội sau Tết tạm ngưng, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh. Trong tháng 2, thị trường một số mặt hàng nông sản xuất khẩu cũng gặp khó trong tiêu thụ do việc đóng cửa tạm thời các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc.
Với biến động như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tháng 2/2020 đạt 414.073 tỷ đồng, giảm 7,94% so với tháng trước. Trong cơ cấu ngành hàng, nhóm du lịch, dịch vụ giảm mạnh nhất với mức giảm 13-20,97%, tiếp đến là nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc giảm do yếu tố mùa vụ sau Tết (giảm từ 9,57 - 12,88%); các nhóm còn lại giảm từ 7,88 - 8,36%. Như vậy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 2 tháng đầu năm đạt 863.857 tỷ đồng, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm trở lại đây.
Là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ trong tháng 2/2020 đã giảm 4,8% so với tháng trước, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 6,3% so với cùng kỳ, trong khi con số này của năm 2019 là 10,8%. Doanh thu bán lẻ tháng 2 ước đạt 28,7 nghìn tỷ đồng, giảm 6,4% so với tháng trước, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Qua nắm bắt thông tin của một số doanh nghiệp trên địa bàn con số này vẫn tăng do tâm lý người tiêu dùng tăng thu mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Về giá cả một số mặt hàng thiết yếu, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - cho hay, giá rau xanh có xu hướng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý do miền Bắc bị ảnh hưởng bởi mưa đá, rét đậm trong khi rau Đà Lạt chưa phải chính vụ. Do đó, các mặt hàng rau, củ có xu hướng tăng mạnh từ 20 - 35%. Hiện, giá thịt lợn đã quay trở lại mức bình quân so với ngày thường trước Tết nhưng vẫn ở mức rất cao, tăng 40 - 44% so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến chỉ số CPI, đại diện Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, tháng 2/2020 chỉ số CPI giảm so với tháng trước và tăng so với tháng 12/2019 và tăng so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2020, CPI dự báo sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tâm lý dịch bệnh, ngại mua sắm tiếp tục tác động đến tổng cầu
Hiện tình hình dịch bệnh tại các nước trên thế giới đang diễn biến phức tạp, hầu hết người tiêu dùng vẫn có tâm lý lo ngại về dịch bệnh nên các hoạt động chi tiêu chủ yếu vào nhu yếu phẩm và các mặt hàng chống dịch. Nhu cầu về du lịch, dịch vụ vẫn tiếp tục thấp, các mặt hàng xuất khẩu cũng sẽ chịu tác động của việc kiểm soát dịch bệnh lên các nước nhập khẩu nên có thể khó khăn trong tiêu thụ tại một số thời điểm.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chủ trì phiên họp thường kỳ Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 2/2020 |
Một vấn đề được các đại biểu đưa ra tại cuộc họp đó là giá các mặt hàng vật tư y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 dẫn đến những cơn sốt và sự tác động cực mạnh trong thời gian vừa qua. Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cần phải tính toán và kiến nghị Bộ Y tế đưa mặt hàng khẩu trang và thuốc sát trùng, khử trùng vào Chương trình bình ổn giá tại các địa phương. Chương trình bình ổn này mang tính chất ngắn hạn. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh kiểm soát nguồn cung. Không chỉ còn phòng dịch mà còn vấn đề trữ thuốc. Bộ Y tế cần đánh giá cụ thể vấn đề này.
Cùng với vật tư y tế, vấn đề giá thịt lợn cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ ngành cần kiểm soát nguồn cung, giá cả thị trường. Thực hiện theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP, kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý và dần xuống mức bình thường như trước khi có dịch trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của thị trường và quy định của pháp luật…
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, dịch Covid - 19 khiến xu hướng tiêu dùng đã dịch chuyển. Người tiêu dùng đã chuyển từ chợ đầu mối, hay các chợ truyền thống - nơi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo sang tăng cường mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Do đó, siêu thị doanh số tăng, trong khi đó doanh thu tại các chợ đã giảm mạnh. Bên cạnh đó, thương mại điện tử tại khối các siêu thị trong thời gian vừa qua cũng gia tăng nhanh và mạnh. Người tiêu dùng tăng cường mua online. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy tiêu dùng thương mại điện tử.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến cung cầu, giá hàng hóa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ông Trần Duy Đông đề nghị, các hiệp hội, doanh nghiệp, các Bộ có đánh giá về cung cầu và nhận định thị trường các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới và đưa ra đề xuất kiến nghị nhằm bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường.
Cụ thể, đối với mặt hàng thịt lợn, hiện tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, giá các sản phẩm chăn nuôi ở mức cao nên người chăn nuôi có xu hướng đẩy mạnh tái đàn, tuy nhiên, hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa, dịch bệnh có điều kiện xuất hiện trở lại. Đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường phòng chống dịch, tuyên truyền đến người dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, chăn nuôi an toàn sinh học.
Dịch Covid-19 đang có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước nói chung và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng. Do đó, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng kịp thời chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp, tránh tồn kho cao và gây áp lực tiêu thụ đối với thị trường trong nước.
Về phía Bộ Công Thương, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.