Giá cà phê Robusta giảm về dưới mốc 5.300 USD/tấn
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục biến động trong phiên giao dịch ngày hôm qua (7/5). Kết phiên, lực bán áp đảo đã đẩy chỉ số MXV-Index về mức 2.160 điểm, giảm 19 điểm so với phiên hôm trước. Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, giá hai mặt hàng dầu thô quay đầu giảm hơn 1,5%. Trong khi đó, thị trường cà phê chịu áp lực bán sau khi báo cáo mới nhất từ Cơ quan Cung ứng mùa vụ Brazil (CONAB) được công bố.
Chỉ số MXV-Index |
Giá cà phê chịu áp lực lớn sau khi báo cáo của CONAB công bố
Theo ghi nhận của MXV, giá hai mặt hàng cà phê đã đồng loạt suy yếu sau khi báo cáo mới nhất của Cơ quan Cung ứng mùa vụ Brazil (CONAB) được công bố.
Cụ thể, giá cà phê Arabica hợp đồng tháng 7 trên sàn New York giảm 1,47% xuống 8.467 USD/tấn, trong khi giá cà phê Robusta hợp đồng tháng 7 trên sàn London tiếp tục điều chỉnh giảm 0,32%, về mức 5.239 USD/tấn.
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Trong báo cáo mới nhất, CONAB đã nâng mức dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2025-2026 lên 55,67 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm ngoái và cao hơn gần 7,5% so với dự báo ban đầu hồi tháng 1. Tuy nhiên, trong khi sản lượng arabica dự báo giảm 6,6% xuống 36,98 triệu bao, thì sản lượng cà phê robusta lại tăng mạnh 27,9%, đạt 18,7 triệu bao. CONAB cho biết việc điều chỉnh tăng sản lượng chủ yếu là do nhận thấy điều kiện khí hậu ổn định và thuận lợi đã hỗ trợ cho cây cà phê trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Giá cà phê đồng loạt suy yếu sau khi báo cáo của CONAB công bố |
Hiện vụ thu hoạch Robusta tại Brazil đã bắt đầu, trong khi arabica vẫn trong giai đoạn phát triển và dự kiến thu hoạch vào giữa năm. Cùng lúc, tồn kho cà phê Arabica chế biến ướt (certified washed arabica) tại sàn New York tiếp tục tăng mạnh, gần 844.475 bao loại 60kg – mức cao nhất kể từ tháng 3, trong đó, hơn 92% lưu trữ tại châu Âu. Đáng chú ý, tồn kho Arabica Brazil chiếm hơn 53% tổng lượng đăng ký, còn Arabica Mexico chiếm khoảng 8,5%.
Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu, giá bông kết thúc phiên giao dịch ngày 7/5 giảm nhẹ 0,66%, xuống còn 1.485 USD/tấn. Về nguồn cung, lượng mưa gần đây tại khu vực Tây Texas được đánh giá là gần như lý tưởng trong hai đến ba tuần qua, góp phần củng cố triển vọng mùa vụ ổn định, trừ khi xuất hiện biến động bất ngờ về thời tiết hoặc tâm lý thị trường.
Theo Báo cáo tiến độ mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố ngày 5/5, tiến độ gieo trồng bông tại Mỹ đã đạt 21% tổng diện tích, tăng so với mức 15% của tuần trước và vượt nhẹ mức trung bình 5 năm là 20%. Trong khi đó, báo cáo hàng tuần của USDA công bố ngày 2/5 cho thấy doanh số bán ròng bông upland của Mỹ cho niên vụ 2024–2025 đạt 108.400 kiện trong tuần kết thúc ngày 24/4, tăng 4% so với tuần trước nhưng vẫn thấp hơn 21% so với mức trung bình 4 tuần gần đây.
Giá dầu thô quay lại đà suy yếu
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc đỏ gần bao phủ hết thị trường năng lượng khi 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Sau một phiên phục hồi, giá dầu quay lại vùng suy yếu trong bối cảnh lo ngại về nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ và diễn biến mới trong quan hệ Mỹ - Iran cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt.
Đóng cửa, giá dầu Brentđã hạ xuống mốc 61,12 USD/thùng, giảm 1,66%. Tương tự là giá dầu WTI mất 1,73%, xuống 58,07 USD/thùng.
Bảng giá năng lượng |
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô thương mại tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 2/5 giảm khoảng 2 triệu thùng, phù hợp với ước tính của Viện Dầu mỏ Mỹ (API). Tuy nhiên, hai số liệu khác từ EIA lại thu hút sự chú ý của giới đầu tư: lượng dầu thô đầu vào tại các nhà máy lọc dầu giảm 7.000 thùng/ngày, trong khi tồn kho xăng tăng thêm 188.000 thùng so với tuần trước. Hiện Mỹ đã chuẩn bị bước vào cao điểm mùa hè, thông thường, đây sẽ là giai đoạn ghi nhận mức tiêu thụ xăng dầu gia tăng mạnh do nhu cầu đi lại của người dân Mỹ. Tuy nhiên, thông tin trên báo cáo mới nhất của EIA đã cho thấy những số liệu trái ngược với dự đoán, qua đó khiến thị trường càng thêm lo ngại về triển vọng tiêu thụ xăng dầu tại Mỹ trong mùa hè năm nay.
Bên cạnh đó, một thông tin khác nhận được sự chú ý của thị trường là quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đúng như dự đoán trên thị trường, FED giữ lãi suất ở mức tương đối cao là 4,5% nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này không chỉ hỗ trợ sức mạnh của đồng bạc xanh, mà còn kìm hãm sự gia tăng các hoạt động kinh tế và thậm chí cả sự tăng trưởng kinh tế; qua đó gây áp lực lên giá dầu.
Trong khi đó, sự hạ nhiệt trong mối quan hệ Mỹ - Iran cũng đã thúc đẩy đà suy yếu của giá dầu thô thế giới. Trong khuôn khổ một sự kiện được tài trợ bởi Diễn đàn An ninh Munich diễn ra tại thủ đô Washington. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã có những phát biểu, trong đó ông khẳng định các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Iran vẫn diễn ra tốt đẹp và cả hai phía đều đang “đi đúng hướng”. Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến diễn ra vào ngày 10/5 tại Thụy Sỹ. Tuy đây là thông tin tích cực giúp cản đà giảm giá dầu nhưng các nhà đầu tư vẫn còn giữ sự thận trọng về kết quả của cuộc đàm phán này. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính tại Hạ viện Mỹ trong ngày hôm qua, Bộ trưởng Bessent cho biết đây chỉ là bước khởi đầu và những bước tiến lớn hướng tới một thỏa thuận thương mại sẽ khó mà đạt được.
Giá một số loại hàng hóa khác
Bảng giá nông sản |
Bảng giá kim loại |