Thị trường trải qua nhiều biến động
Trong 6 tháng đầu năm 2020, TTCK ghi nhận nhiều biến động tại cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM... Tính đến ngày 20/6 có 737 doanh nghiệp (DN) niêm yết ở TTCK Việt Nam. Cụ thể, sàn HNX có 357 DN niêm yết trong khi sàn HOSE có 380 DN niêm yết. Quy mô niêm yết toàn thị trường ở mức hơn 1 triệu tỷ đồng.
TTCK Việt Nam vẫn có những điểm cộng tạo nên sức hấp dẫn trong dài hạn khi kinh tế vĩ mô vẫn giữ mức tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát tốt, đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ |
Toàn thị trường trong 6 tháng/2020 có 902 cổ phiếu được đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (UpCOM). Tổng khối lượng đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM đạt gần 39 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 39.000 tỷ đồng theo mệnh giá.
Cũng trong thời gian qua, TTCK Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường giảm điểm sâu nhất trong tháng 3/2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng sau đó cũng là một trong những thị trường có mức hồi phục mạnh nhất khi VN-Index đã tăng 36% từ mức đáy 662 điểm (31/3/2020) lên 900 điểm (10/6/2020). Dòng tiền dồi dào từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã thúc đẩy đà tăng của chỉ số này. Tính từ tháng 3 - 5/2020, có gần 100 ngàn tài khoản mở mới, đây là mức tăng cao đột biến trong nhiều năm trở lại đây.
Bước qua mức tăng đỉnh ngắn hạn của thị trường trong vòng hơn 2 tuần cuối tháng 6/2020 đến nay, chỉ số VN- Index có xu hướng giảm. Đặc biệt sau phiên bán tháo ngày 11/6/2020 đến nay, các chỉ số VN- Index giảm 7,8%, chỉ số VN30 giảm 7,5%. Mặc dù thị trường có xuất hiện một vài phiên hồi phục sau đó, nhưng xu hướng giảm điểm và liên tục tạo ra những vùng giá thấp hơn.
Trong phiên giao dịch ngày 29/6/2020, chỉ số VN-Index và VN30 lần lượt đóng cửa 829,36 điểm và 774,81 điểm, chính thức phá đáy trước đó. Cụ thể, chỉ số VN- Index phá đáy 830 điểm, chỉ số VN30 phá đáy 778 điểm.
Như vậy, có thể thấy thị trường hồi phục với kỳ vọng việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ nhanh chóng giúp kinh tế toàn cầu khôi phục dần lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong khi thực tế sự hồi phục kinh tế diễn ra lâu hơn dự tính. Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện tại, làn sóng lây nhiễm thứ 2 của dịch bệnh đang đặt nền kinh tế toàn cầu dưới áp lực có thể tiếp tục gián đoạn thương mại kéo dài. Hệ quả là sau giai đoạn kỳ vọng hồi phục, giới đầu tư bắt đầu bước vào giai đoạn khó lường hơn về dự báo, cũng như chỉ số kinh tế, tài chính toàn cầu xấu hơn và sẽ tác động ngay đến TTCK Việt Nam.
Điểm cộng cho TTCK khi nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu tích cực
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, thị trường đã bước qua giai đoạn tăng mạnh, việc điều chỉnh hiện tại so với từ đáy (tháng 3/2020) vẫn chưa phải quá hấp dẫn. Đặc biệt, khi nhìn sang yếu tố dòng tiền đang bị suy giảm do thị trường thiếu yếu tố kỳ vọng khi đang đối mặt với mùa báo cáo quý III được dự báo là khá khó khăn. Kết quả kinh doanh của nhiều DN niêm yết trên sàn, trong đó có nhóm chứng khoán, thương mại xăng dầu được kỳ vọng sẽ khả quan. Tuy nhiên, điểm chung của thị trường sẽ có nhiều DN gặp khó khăn, đặc biệt là các DN hàng không, du lịch, xuất khẩu…
Theo ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam: kể từ đầu năm 2020 tới nay, các thị trường tài chính đều có xu hướng đồng pha với nhau, việc các TTCK lớn như Mỹ, châu Âu đang cho thấy dấu hiệu bị bán chốt lời cũng ảnh hưởng tới tâm lý và diễn biến cổ phiếu Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng toàn cầu này.
Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn có những điểm cộng tạo nên sức hấp dẫn trong dài hạn. Cụ thể, Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo GDP 6 tháng/2020 tăng trưởng 1,81%. Mặc dù là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm, nhưng so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, mức tăng trưởng dương là một thành tích đáng khích lệ trong bối cảnh tác động của đại dịch. Các yếu tố thuận lợi về kiểm soát dịch bệnh thành công, làn sóng dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam, chính sách thúc đẩy đầu tư công… vẫn là những nhân tố tích cực của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, trong ngắn hạn thì yếu tố rủi ro cũng có bởi thị trường tăng dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong thời gian vừa qua, có thể vào nhanh nhưng cũng rút rất nhanh khi có biến động mạnh gây nên những ảnh hưởng cho toàn thị trường.