Điểm sáng nào của thị trường bất động sản 2022? Chuyên gia hiến kế khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản |
Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản trải qua giai đoạn khó khăn do những điều chỉnh trong chính sách quản lý như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… Tuy nhiên, một số chuyên gia đánh giá, thị trường sẽ phục hồi trong thời gian tới.
Theo thông tin từ website Batdongsan.com.vn, 7 tháng đầu năm, mức độ quan tâm bất động sản bán toàn quốc giảm 4%, trong khi lượng quan tâm đến bất động sản cho thuê tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... ghi nhận lực cầu giảm sút nhưng lượng cung tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo nhu cầu chung cư tại các thành phố lớn sẽ tăng |
Tại Hà Nội, 7 tháng đầu năm nay, chung cư là loại hình duy nhất có lượng quan tâm tăng. Trong đó, phân khúc căn hộ bình dân tăng 3%, trung cấp tăng 9% và cao cấp tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Mặt bằng giá rao bán căn hộ Hà Nội cũng tăng khoảng 6 - 13% so với cùng kỳ năm 2021. Đối với các loại hình khác như đất, đất nền dự án, nhà riêng, biệt thự liền kề đều ghi nhận lượt tìm mua giảm từ 5 - 32% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - nhận định, giao dịch đất nền và thổ cư tại Hà Nội đang diễn biến khá chậm, nguồn cung còn hạn chế và chưa có dấu hiệu gia tăng rõ ràng trong thời gian tới. Thanh khoản của đất nền và nhà thổ cư phụ thuộc nhiều vào chính sách nới tín dụng của nhà nước.
Tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm mua căn hộ chung cư giảm 3% trong 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, hiện có khoảng 10 dự án mới mở bán tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh, tỷ lệ hấp thụ hầu hết không vượt qua mức 50% nguồn hàng. Dù vậy, giá rao bán tất cả các phân khúc căn hộ đều tăng giá so với cùng kỳ năm 2021; tăng cao nhất ở phân khúc bình dân (8%), sau đó là trung cấp (5%) và cao cấp (4%).
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch BHS Group, có ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng thị trường bất động sản "đóng băng" như hiện nay, đó là pháp lý, tín dụng và mức giá tăng "nóng". Từ ba yếu tố này, ông Tuyển nhận định, thị trường đến năm 2023 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực, bởi khả năng pháp lý được tháo gỡ cao. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, vẫn có đợt tín dụng mới cho các dự án tốt, đến năm 2023, sẽ lại có room tín dụng mới. Dự báo, trong thời gian tới, các bất động sản phục vụ nhu cầu thực để ở như chung cư tại các thành phố lớn, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… sẽ "lên ngôi". Ngược lại, những sản phẩm đầu cơ như hiến đất làm đường, phân lô tách sổ đất rừng khó tìm được đầu ra.
TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn điều chỉnh và có sự sàng lọc, sẽ phục hồi ở một số phân khúc như nhà ở, khu công nghiệp… và phục hồi rõ nét hơn bắt đầu từ quý IV năm nay. Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn còn tâm lý chờ đợi và dòng tiền thông minh sẽ dịch chuyển kênh đầu tư.
Về thị trường trái phiếu bất động sản, các chuyên gia thuộc FiinRatings kỳ vọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 khi Nghị định 153/2020/CP-NĐ được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực chính thức như kế hoạch được thông báo bởi Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, việc phục hồi thị trường sẽ không thể sôi động ngay lại như nửa cuối năm 2021.
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc sửa Nghị định 153 chắc chắn sẽ giúp thị trường lành mạnh, an toàn hơn cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Kênh trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng sôi động trở lại, dù không bùng nổ như hai năm vừa qua nhưng mức tăng trưởng khả thi có thể đạt 30 - 35%. |