Chuyên gia hiến kế khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản

Đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước, kết nối với hơn 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế song thị trường bất động sản đang có dấu hiệu bị “co ngót".
Khơi thông dòng vốn đầu tư vào bất động sản du lịch Bất động sản công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng tốt

Đóng góp khoảng 7-8% GDP cả nước và kết nối, lan tỏa với hơn 35 ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế, tạo hàng triệu việc làm cho xã hội và đang đứng trước nhiều cơ hội đầu tư mới trong năm 2022, song thị trường bất động sản đang có dấu hiệu bị “co ngót” do thiếu hụt vốn đầu tư.

Nguy cơ thiếu hụt dòng vốn do sự an toàn và niềm tin thị trường

Dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản rất đa dạng, gồm nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ tổ chức tín dụng, vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp… Trong đó, nguồn vốn tín dụng từ hệ thống tổ chức tín dụng và vốn huy động trên thị trường chứng khoán là hai nguồn vốn trọng yếu. Tuy nhiên, trong năm 2022 dòng vốn từ hai nguồn này đều chịu áp lực bị kiểm soát chặt chẽ hoặc khó tiếp cận hơn.

Theo Thông báo ngày 30/7/2022 của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản trên cả nước đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%); trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33%; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).

Khơi thông dòng vốn tín dụng bất động sản nửa cuối năm
Ảnh minh họa

Như vậy, tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 có tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (dư nợ tín dụng bất động sản 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 5,5-6%), cũng như cao hơn nhiều tốc độ tăng tổng dư nợ tín dụng chung toàn hệ thống: Tính đến ngày 30/6/2022 dư nợ tín dụng ngân hàng cả nước tăng 9,35% so với cuối năm 2021 và tăng 16,69% so cùng kỳ. Đây là mức tăng sáu tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ 2021 giảm 4,67%, chiếm 2,27%).

Tuy nhiên, cả về lý thuyết và thực tế đều cho thấy, việc tín dụng ngân hàng tập trung cho vay quá mức vào bất động sản sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Điều này là do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản thường có thời gian vay vốn dài (hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản có thời gian vay vốn từ 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của hệ thống tổ chức tín dụng chủ yếu (khoảng 80%) là ngắn hạn, với lãi suất thay đổi theo thị trường.

Bởi vậy, trong cả năm 2022 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo kiểm soát dòng vốn cho vay bất động sản theo “room “tín dụng cấp cho các ngân hàng; thường xuyên rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, trong đó có lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, trọng tâm là tín dụng bất động sản. Trên thực tế 6 tháng đầu năm 2022, một số tổ chức tín dụng đã từ chối cho vay đối với khách hàng do hết dư địa tăng trưởng tín dụng, nhất là tổ chức tín dụng cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản có thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh; cũng như do phải bảo đảm các tỷ lệ an toàn, hoặc trong diện xếp hạng thấp nên không được tăng trưởng tín dụng cao theo quy định của pháp luật…

Thời gian tới, theo Ngân hàng Nhà nước, cần khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn khác nhau, không “chất thêm tải” và đẩy rủi ro cho vay bất động sản tới hệ thống ngân hàng, gây rủi ro đối với khả năng chi trả cho người gửi tiền và cho an ninh tài chính-tiền tệ trong nước.

Hơn nữa, xu hướng tăng lãi suất huy động cũng đang và sẽ tạo áp lực tăng lãi suất cho vay tín dụng bất động sản, đồng nghĩa với cơ hội và điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư bất động sản cũng trở nên hẹp và đắt đỏ hơn.

Trong khi dòng vốn cho đầu tư bất động sản từ vay ngân hàng thương mại từng bước bị thu hẹp, thì dòng vốn huy động trên thị trường chứng khoán cũng gặp nhiều lực cản sau thời kỳ bùng nổ trong năm 2021, khi mà các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành tới 214.440 tỉ đồng trái phiếu, tương đương hơn 9 tỉ USD, gấp 3 lần so với năm 2020.

Thông tư 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1/2022 được coi là “van khóa” dòng vốn từ ngân hàng thương mại vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu bất động sản. Theo Thông tư này, hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn do tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích đảo nợ, góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp khác hoặc để tăng vốn.

Dòng vốn đầu tư bất động sản huy động trên thị trường chứng khoán năm 2022 còn bị sụt giảm rõ rệt không chỉ từ việc hạn chế dòng tiền từ các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, mà còn từ sự đổ vỡ niềm tin của các nhà đầu tư và thị trường vào chất lượng và khả năng thanh khoản các trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành, đặc biệt là sau 2 sự kiện “nổ bom tấn” khiến công an vào cuộc khởi tố điều tra bán trái phiếu và cổ phiếu của hai tập đoàn bất động sản thuộc nhóm lớn hàng đầu cả nước là Tân Hoàng Minh và FLC…Kể từ sau thời điểm đó, việc huy động vốn cho đầu tư bất động sản trên thị trường chứng khoán bước vào thời kỳ “ngủ đông”, khi hầu như không ghi nhận vụ huy động vốn quy mô lớn nào đáng kể…

Chung tay khơi thông và lành mạnh hóa dòng vốn cần thiết cho thị trường bất động sản

Để tháo gỡ khó khăn và khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản tiếp tục “bung lụa”, tạo động lực chung phát triển kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước và việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong nửa cuối năm 2022 và thời gian tới, cần sự nỗ lực đồng bộ từ tất cả các bên liên quan:

Thứ nhất, tiếp tục duy trì và lành mạnh hóa tín dụng bất động sản

Việc duy trì dòng sữa tín dụng cho các doanh nghiệp và hoạt động đầu tư bất động sản là cần thiết khách quan và vì lợi ích chung của các bên liên quan, của xã hội.

Đặc biệt, ngày 29/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, theo đó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa các thị trường vốn với thị trường bất động sản, đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cấp, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường; kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế-dân sự; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, chú ý các hành vi trốn thuế trong kinh doanh bất động sản, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp; không điều hành chính sách “giật cục,” không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng” sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại; đánh giá cụ thể, chính xác về tình hình và cung-cầu để phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh, song song phát huy vai trò quản lý của nhà nước, các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá...

Đồng thời, xác định các phân khúc thị trường, các nhu cầu, như bất động sản công nghiệp, nhà ở công nhân, nhà thu nhập thấp để có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, phát triển hạ tầng chiến lược để tạo không gian phát triển mới, động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành các công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị mới; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để tháo gỡ các vướng mắc, xử lý sai phạm để bảo vệ thị trường, bảo vệ tài sản, bảo vệ con người, không hợp thức hóa sai phạm nhưng đánh giá khách quan, tìm hiểu nguyên nhân, có cơ chế tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn đặt ra; làm tốt công tác truyền thông, có hình thức phù hợp hiệu quả, đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng kiến thức tài chính, kiến thức pháp luật cho nhân dân, trong nhà trường và bằng các hình thức khác; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

Quán triệt tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc “nới room”, khuyến khích tổ chức tín dụng đủ điều kiện tiếp tục cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường phân tích dự báo cung cầu thị trường, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; thận trọng trong xem xét quyết định cấp tín dụng đối với các khoản tín dụng bất động sản tại các địa bàn đang xảy ra tình trạng sốt đất và các dự án tiềm ẩn mức độ rủi ro cao; thực hiện phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động theo quy định của pháp luật; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu.

Các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giữ mức lãi suất cho vay hợp lý; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng, duy trì khả năng thu hồi vốn cho vay.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng

Để khơi thông và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, tạo thuận lợi thu hút vốn cho đầu tư bất động sản, cần đẩy nhanh tiến độ rà soát và tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như tinh thần Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.

Trước mắt, cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu, nhất là về phát hành trái phiếu riêng lẻ; thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu và yêu cầu minh bạch sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn; Hướng dẫn cụ thể về quy trình và nội dung công bố thông tin phát hành với sự xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư các nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; Bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Bổ sung, cụ thể hóa và đề cao hơn nữa quy định về trách nhiệm của các tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan; bổ sung các quy định về kiểm soát mức độ tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng…

Ngoài ra, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Các cơ quan quản lý cần tăng cường tách nhiệm và phối hợp chặt chẽ trong giám sát hoạt động tuân thủ, nhận diện, bắt lỗi và và xử lý, tạo điều kiện sửa lỗi vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, là nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng…

Đồng thời, cần giám sát sự tuân thủ pháp luật và nâng cao vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư; tăng tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm khắc các tin đồn thất thiệt, sai lệch và giả mạo trên thị trường chứng khoán.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra các vụ việc, cảnh báo sớm và có phương án xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh, ổn định tâm lý nhà đầu tư và bảo đảm an toàn thị trường.

Ngoài ra, cần sớm phát triển các thể chế xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam để đa dạng hóa căn cứ khách quan và độ tin cậy cho việc ra quyết định của các nhà đầu tư và giúp minh bạch hoá thị trường. Theo tinh thần đó, Bộ Tài chính cần đưa ra các giải pháp để ngăn ngừa, “tiền phòng - hậu kiểm” để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên thị trường chứng khoán một cách bình đẳng, minh bạch và có giá trị đúng đắn nhất.

Đồng thời, Quốc hội và cac cơ quan hữu quan cần sớm hoàn thiện, thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội cho phù hợp với Luật Nhà ở. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản, hoạt động sàn giao dịch bất động sản, hoạt động môi giới bất động sản; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản theo quy định củ

Tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư cá nhân, nhất là thông tin về Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các quy định, động thái quản lý nhà nước có liên quan để các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán có sự lựa chọn đúng đắn cân nhắc, chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình trong môi trường hoạt động bình đẳng giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà phát hành.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan cần thống nhất các giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình phát hành, cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán; tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với những bất cập và rủi ro, phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường, các hành vi đi chệch ra khỏi quy định của luật pháp, các hành động lách luật hoặc lợi dụng thị trường để làm méo mó các quy định pháp luật...

Việc xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán chỉ là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Trong quá trình đó, các cơ quan chức năng cũng cần quán triệt thấu đáo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không lạm dụng, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán; kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng được tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh, nhằm giúp doanh nghiệp phát triển trở lại, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư cổ đông và việc làm cho người lao động, duy trì động lực phục hồi và phát triển kinh tế...

Thứ ba, đa dạng hóa nguồn vốn và tập trung phát triển các mô hình kinh doanh và sản phẩm bất động sản tốt

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần vừa chủ động và tích cực hơn trong thay đổi tư duy, mô thức kinh doanh phù hợp, an toàn và hiệu quả hơn, vừa tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn đa dạng và rẻ hơn; trong đó, có vốn huy động nội bộ và vốn tiếp cận từ gói kính thích kinh tế 470 nghìn tỷ đồng đang được triển khai trong năm 2022 và 2023…

Hơn nữa, cả ngân hàng và các nhà đầu tư bất động sản cần tỉnh táo và mạnh dạn cho vay hay chuyển hướng đầu tư tập trung vào các sản phẩm và lĩnh vực có triển vọng phát triển tốt, có nhu cầu xã hội thực và sức thanh khoản cao, nhất là bất động sản phục vụ hoạt động logistics (hậu cần và kho bãi); những khu công nghiệp đã được quy hoạch “xây tổ đón đại bàng” của Chính phủ, cũng như các địa phương có tiềm năng; các sản phẩm nhà ở xã hội, chung cư bảo đảm chất lượng và tiện ích, môi trường sống xanh, lành mạnh, kết nối hạ tầng đồng bộ và vừa túi tiền, đáp ứng được nhu cầu thực của người dân;

Thực tế cho thấy, các dự án được các quản lý bởi các thương hiệu vận hành có uy tín và điều kiện bảo đảm tin cậy cao luôn có khả năng thu hút vốn đầu tư thuận lợi hơn các dự án đưa ra các cam kết lợi nhuận khủng, nhưng không có bảo đảm chắc chắn. Bởi vậy, để duy trì lợi ích tích cực và khả năng huy động vốn lớn cho thị trường bất động sản qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường tài chính, các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng phương án sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp phát hành; cung cấp thông tin minh bạch đầy đủ theo quy định và hỗ trợ các hoạt động kiểm soát, kiểm tra của các cơ quan chức năng; giữ vững lòng tin của các chủ nợ, của thị trường và đối tác; bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án và mục đích sử dụng vốn vay; coi trọng hợp tác với các chủ nợ và khách hàng trong công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; thường xuyên cập nhật quy định mới của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bất động sản… từ đó giảm thiểu các rủi ro và hành vi lạm dụng, lừa đảo gây thiệt hại cho khách hàng và cho chính mình.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục rà soát sự hợp lý về trình tự và thời gian thực hiện các quy trình trong hành lang pháp lý cho dự án bất động sản; hướng dẫn cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá các vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách; bổ sung áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện theo mô hình “chìa khóa trao tay” trước áp lực tăng giá đồng loạt vật liệu xây dựng trên thị trường…. để không làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp do bị chôn vốn, tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý...

Sự chia rẽ thiếu hợp tác và “cộng sinh” cũng khiến doanh nghiệp bất động sản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung bị suy yếu. Bởi vậy, Chính phủ, chính quyền các địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cần coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, thông tin và tạo thuận lợi cho thu hút FDI, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác, gắn kết làm ăn lâu dài và tạo hệ sinh thái cho khuyến khích tập trung phát triển doanh nghiệp đầu ngành thành những tập đoàn lớn để nâng cao tính cạnh tranh thị trường, tăng năng lực tài chính tự thân trong đầu tư phát triển bất động sản…/.

TS.Nguyễn Minh Phong, ThS.Nguyễn Trần Minh Trí
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: thị trường bất động sản

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Hai khu đô thị bỏ hoang của Tập đoàn Phúc Sơn ở Khánh Hoà

Hai khu đô thị bỏ hoang của Tập đoàn Phúc Sơn ở Khánh Hoà

Hai dự án khu đô thị của Tập đoàn Phúc Sơn ở Khánh Hoà hơn 10 năm qua vẫn chưa xong công tác giải phóng mặt bằng, dừng triển khai thi công từ năm 2019 đến nay.
Khánh Hòa kiểm tra các dự án do Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư

Khánh Hòa kiểm tra các dự án do Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư

UBND tỉnh Khánh Hoà vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án, công trình do Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư, thi công trên địa bàn tỉnh.
Nhà ở xã hội sẽ là điểm sáng của thị trường bất động sản trong năm 2024?

Nhà ở xã hội sẽ là điểm sáng của thị trường bất động sản trong năm 2024?

Chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2024, giới bất động sản có thể thở phào vì đã vượt qua giai đoạn "ngập lụt" trong khó khăn và nhà ở xã hội sẽ là điểm sáng.
Bất động sản, kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn ngoại

Bất động sản, kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn ngoại

Tính đến tháng 2/2024, lĩnh vực bất động sản thu hút được 1.151 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 69,6 tỷ USD, xếp thứ 2/19 ngành hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
Thị trường bất động sản Mỹ sắp chạm đáy?

Thị trường bất động sản Mỹ sắp chạm đáy?

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, thị trường bất động sản Mỹ có dấu hiệu chạm đáy sau thời gian giảm do lãi suất cao và đây là thời điểm thích hợp để đầu tư.

Tin cùng chuyên mục

Khánh Hoà gia hạn mời thầu dự án khu đô thị hành chính hơn 1.700 tỷ đồng

Khánh Hoà gia hạn mời thầu dự án khu đô thị hành chính hơn 1.700 tỷ đồng

Khánh Hòa thông báo gia hạn mời thầu dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án Khu đô thị hành chính huyện Diên Khánh đến 17h ngày 21/3.
Lo ngại cơ chế "xin cho"

Lo ngại cơ chế "xin cho"

Lo ngại quy định về địa bàn thực hiện dự án tại Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận sẽ phát sinh cơ chế "xin cho".
Điểm đặc biệt của chương trình nhà ở xã hội 70m2 giá hơn 300 triệu đồng ở Malaysia

Điểm đặc biệt của chương trình nhà ở xã hội 70m2 giá hơn 300 triệu đồng ở Malaysia

Malaysia vừa công bố chương trình nhà ở xã hội mới nhằm cung cấp cho người dân thu nhập thấp những căn nhà chất lượng cao với giá cả phải chăng.
Hải Phòng: Tìm nhà đầu tư cho khu đô thị gần 5.000 tỷ đồng tại huyện An Dương

Hải Phòng: Tìm nhà đầu tư cho khu đô thị gần 5.000 tỷ đồng tại huyện An Dương

Dự án Đầu tư xây dựng khu đô thị tại xã Đồng Thái và xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 4.883 tỷ đồng.
Phát triển nhà ở vừa túi tiền bằng cách nào?

Phát triển nhà ở vừa túi tiền bằng cách nào?

Giá bán cao, tiền thuê tăng, nguồn cung hạn chế làm gia tăng gánh nặng cho nhiều hộ gia đình, khiến mục tiêu sở hữu nhà ngày càng xa.
Khánh Hoà: Chuyển đổi hơn 7.026 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp

Khánh Hoà: Chuyển đổi hơn 7.026 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp

Huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) có kế hoạch chuyển đổi hơn 7.026 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thuộc khu vực phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong.
Hà Nội: Loạt dự án bất động sản vào "tầm ngắm" kiểm tra

Hà Nội: Loạt dự án bất động sản vào "tầm ngắm" kiểm tra

Năm 2024, Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra 99 dự án đầu tư, bao gồm 50 dự án chuyển tiếp thuộc kế hoạch năm 2023 và 49 dự án mới.
Hà Nội: Tìm người thuê 35.000m2 đất trồng sen tại Tây Hồ, giá 8.800 đồng/m2

Hà Nội: Tìm người thuê 35.000m2 đất trồng sen tại Tây Hồ, giá 8.800 đồng/m2

UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đang lựa chọn tổ chức đấu giá cho thuê hơn 35.000m2 đất để trồng sen, giá khởi điểm chỉ 8.820 đồng/m2/năm.
Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045

Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045

Đô thị mới Cam Lâm (Khánh Hòa) được phát triển theo 4 trục động lực, hình thành 4 khu trung tâm mới, được thực hiện trong hai phân kỳ, hoàn thành năm 2045.
Hiện trạng các lô

Hiện trạng các lô 'đất vàng' ở sân bay Nha Trang của Tập đoàn Phúc Sơn

Được Khánh Hòa 'hoàn vốn' đất ở sân bay Nha Trang khi thực hiện 3 dự án BT, Tập đoàn Phúc Sơn đã phân lô bán nền cho khách hàng dù các dự án BT "vỡ" tiến độ.
Khánh Hòa: Duyệt quy hoạch 1/500 dự án 3,5 tỷ USD ven vịnh Cam Ranh

Khánh Hòa: Duyệt quy hoạch 1/500 dự án 3,5 tỷ USD ven vịnh Cam Ranh

Dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, quy mô hơn 1.254ha gồm 3 khu vừa được tỉnh Khánh Hòa duyệt quy hoạch 1/500 khu 2 và 3, với tổng diện tích hơn 640ha.
Nam Định thuộc nhóm thị trường bất động sản công nghiệp tiềm năng

Nam Định thuộc nhóm thị trường bất động sản công nghiệp tiềm năng

Theo báo cáo tháng 2/2024 của Savills Việt Nam, các tỉnh phía Nam của Hà Nội như Nam Định, Thái Bình có tiềm năng lớn cho phát triển bất động sản công nghiệp.
Quảng Nam: Người dân đề nghị Hoàng Nhất Nam thay Bách Đạt An tiếp tục thực hiện dự án

Quảng Nam: Người dân đề nghị Hoàng Nhất Nam thay Bách Đạt An tiếp tục thực hiện dự án

Người dân đề nghị Công ty Cổ phần đầu tư Hoàng Nhất Nam thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước thay cho Công ty Cổ phần Bách Đạt An.
Luật Đất đai (sửa đổi): Điều kiện nào tách thửa, hợp thửa đất?

Luật Đất đai (sửa đổi): Điều kiện nào tách thửa, hợp thửa đất?

Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ các nguyên tắc, điều kiện trong việc tách thửa đất, hợp thửa đất.
Đề xuất bỏ quy định làm khó người mua nhà ở xã hội

Đề xuất bỏ quy định làm khó người mua nhà ở xã hội

Tại Dự thảo Nghị định quy định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội vừa công bố lấy ý kiến, Bộ Xây dựng đã “nới” điều kiện mua nhà ở xã hội.
Thị trường bất động sản thế giới có dấu hiệu phục hồi; nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục

Thị trường bất động sản thế giới có dấu hiệu phục hồi; nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá bất động sản trên toàn cầu có dấu hiệu phục hồi.
Hải Phòng: Gỡ khó trong việc xin xác nhận khi mua nhà ở xã hội

Hải Phòng: Gỡ khó trong việc xin xác nhận khi mua nhà ở xã hội

Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hải Phòng kiến nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ ban hành nghị định nới rộng điều kiện về thu nhập cho các đối tượng mua nhà ở xã hội.
Những tỉnh sẽ có bất động sản công nghiệp khởi sắc trong năm 2024

Những tỉnh sẽ có bất động sản công nghiệp khởi sắc trong năm 2024

Dự báo năm 2024, các tỉnh phía Nam của Hà Nội như Nam Định hay Thái Bình sẽ có nhiều tiềm năng, kỳ vọng phát triển mới của lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Giá thuê đất khu công nghiệp sẽ tăng 2 con số?

Giá thuê đất khu công nghiệp sẽ tăng 2 con số?

SSI Research dự báo trong năm 2024, giá cho thuê đất của các chủ đầu tư khu công nghiệp niêm yết sẽ tăng bình quân 15,5% so với năm 2023.
Đại hội Bất động sản toàn cầu "The Passport" sắp diễn ra tại Việt Nam

Đại hội Bất động sản toàn cầu "The Passport" sắp diễn ra tại Việt Nam

Đại hội Bất động sản toàn cầu "The Passport" sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 26-29/2/2024.
Xem thêm
Mobile VerionPhiên bản di động