Với nhiều ưu đãi về thuế, hàng thủy sản Việt Nam có thêm cơ hội tại thị trường Hoa Kỳ |
Xuất khẩu 1.000 “công” cá tra phi lê
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng cung cấp phát triển sản phẩm thủy sản giữa Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông với Công ty H2Origins Seafood Inc (Hoa Kỳ). Hai bên sẽ hợp tác cùng phát triển thị phần tại thị trường Mỹ nhằm đạt tăng trưởng trên 300 triệu USD doanh số trong hơn 36 tháng tới; gia tăng thị phần cá tra phi lê liên kết đến trên 40%; hợp tác chia sẻ thông tin phát triển thị trường và nhu cầu giá cả thị trường; đồng thời cùng nhau phát triển sản phẩm thủy sản mới chất lượng tốt nhất cho thị trường Mỹ. Đặc biệt, H2Origins sẽ mua tối thiểu từ 750 đến 1.000 containers sản phẩm cá tra phi lê trong vòng 4 quý tới trị giá 60 triệu USD; H2Origins cũng sẽ phát triển thương hiệu cá tra phi lê của Biển Đông và quản lý các hoạt động bán hàng liên quan đến thương hiệu này tại Mỹ.
Với sự sụt giảm 6,5% của xuất khẩu (XK) cá tra trong năm 2015 và chưa có nhiều phục hồi trong tháng 1/2016 thì sự kiện này có thể xem là bước khởi đầu tích cực trong năm nay của XK thủy sản nói chung và XK cá tra nói riêng của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ. Thực tế, không chỉ với cá tra, nhiều chuyên gia kinh tế còn đánh giá năm 2016 XK tôm sang thị trường này cũng có nhiều cơ hội. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ông Nguyễn Hoài Nam - cho rằng: Với Hoa Kỳ, các sản phẩm tôm tươi/đông lạnh đã có thuế 0%, sản phẩm tôm chế biến có lộ trình 5 năm đưa thuế về 0%. Tuy nhiên, khi TPP khi có hiệu lực thì tôm Việt Nam sẽ có lợi thế hơn so với 6 nước cạnh tranh chính là Argentina, Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Indonesia khi 6 nước này không có FTA với Hoa Kỳ.
Nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu
Để XK cá tra và tôm sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng trở lại trong năm 2016, các doanh nghiệp XK thủy sản đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm có những giải pháp cụ thể để giải quyết các khó khăn về: Chương trình thanh tra cá da trơn (Farm Bill) tại thị trường Mỹ, nhanh chóng trình Chính phủ ban hành Nghị định cá tra thay thế Nghị định số 36/2014/NĐ-CP để tránh gián đoạn XK cá tra. Đối với sản xuất tôm, Bộ cần có những giải pháp để hạ giá thành nuôi, tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm thấp, tăng chất lượng con giống để có sản lượng và giá nguyên liệu ổn định.
Về lâu dài, muốn vượt qua thách thức khi hội nhập và tận dụng được những cơ hội, ông Nguyễn Hoài Nam khuyến cáo: “Vấn đề căn bản là chúng ta phải có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt. Vì hầu hết các dòng sản phẩm nguyên liệu đều được đưa về 0% ngay khi các FTA có hiệu lực, trong khi các dòng sản phẩm giá trị gia tăng đều phải có lộ trình”.
Ông Nguyễn Hoài Nam Phó tổng thư ký VASEP: Các doanh nghiệp phải tính toán kỹ trong sản xuất để tận dụng được những ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại. |