Thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, hoàn thiện chính sách dân tộc để thúc đẩy phát triển về mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền của cả nước.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Hội thảo khoa học “Thể chế hóa quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 về lĩnh vực dân tộc” |
Một số kết luận, chỉ thị, nghị quyết chuyên đề quan trọng về xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân tộc đã được ban hành như: Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị khóa VI về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Kết luận số 65 của Bộ Chính trị khóa XII về công tác dân tộc và một số nghị quyết riêng về từng dân tộc…
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, việc thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hiến pháp năm 2013 đã có nhiều quy định về chính sách dân tộc. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 năm 2014 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 120 năm 2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu sơ bộ, Quốc hội đã thông qua hơn 90 luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành hơn 600 văn bản có điều, khoản quy định liên quan đến chính sách dân tộc. Các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc cơ bản đã bao trùm toàn diện mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi, vùng khó khăn.
Mặc dù khối lượng chính sách, pháp luật về dân tộc lớn, tương đối toàn diện, bao trùm các mặt của đời sống kinh tế - xã hội và đang liên tục được hoàn thiện theo yêu cầu của thực tiễn, tuy nhiên, trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, vẫn còn những vấn đề tồn tại nhất định liên quan đến việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp tại các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, chúng ta chưa có một đạo luật riêng về lĩnh vực dân tộc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng Dân tộc tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học, pháp lý, thực tiễn làm cơ sở để đề xuất xây dựng Hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội thảo là diễn đàn quan trọng để Hội đồng Dân tộc, cũng như Ủy ban Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, trao đổi, thảo luận bước đầu về sự cần thiết ban hành Luật về lĩnh vực dân tộc, làm rõ nội hàm, tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật này.