Tháo gỡ khó khăn triển khai hợp đồng điện tử: Doanh nghiệp cần hành lang pháp lý đồng bộ
Phấn đấu 100% doanh nghiệp ứng dụng hợp đồng điện tử
Trong quá trình chuyển đổi số giai đoạn hiện nay, với nền tảng hạ tầng công nghệ đã sẵn sàng, việc ứng dụng hợp đồng điện tử trong nền kinh tế Việt Nam sẽ đóng một vai trò tối quan trọng để hoàn thiện nền kinh tế số đầy đủ, giúp Chính phủ quản lý và phát triển hoạt động thương mại hiệu quả và bền vững.
Tại diễn đàn quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn” diễn ra ngày 15/6, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm tin học và Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - chia sẻ, ứng dụng hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp và xã hội tiết kiệm chi phí, giải quyết vấn đề chuyển đổi số toàn diện của doanh nghiệp. Ước tính, việc ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện sẽ giúp đất nước tiết kiệm 50.000 - 70.000 tỷ/năm, bao gồm chi phí in ấn, chuyển phát, bảo quản hồ sơ.
Ngày 15/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn”. Ảnh: Q.V |
Hợp đồng điện tử khi được ứng dụng hiệu quả, sẽ tạo ra sự bùng nổ về giao dịch đa kênh, giúp người bán hàng, nhà cung cấp, nhà sản xuất, người tiêu dùng gắn kết với nhau nhanh chóng trong một mạng lưới dữ liệu hiệu quả. Đồng thời, giúp minh bạch hóa thị trường, nền kinh tế, tránh thất thu thuế khi mọi giao dịch đều có tính minh bạch, có khả năng xử lý, giải quyết khiếu nại kịp thời, đảm bảo các yếu tố về bằng chứng, chứng cứ để giúp nâng cao hiệu quả của lực lượng trọng tài, các cơ quan giải quyết tranh chấp, tòa án.
Đặc biệt, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi cũng giúp các cơ quan nhà nước quản lý thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống lừa đảo, trốn thuế; quản lý hàng giả, hàng nhái trong lưu thông hiệu quả.
Đây cũng là một trụ cột quan trọng trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số theo Quyết định 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, 80% doanh nghiệp ứng dụng hợp đồng điện tử và đến năm 2030, đạt 100%.
Hoàn thiện thể chế để giảm thiểu rủi ro
Mặc dù triển vọng của hợp đồng điện tử là rõ ràng, quá trình triển khai vẫn gặp không ít rào cản. Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.
Các doanh nghiệp kêu gọi sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho hợp đồng điện tử để được bên thứ ba công nhận, bảo đảm tính pháp lý của các giao dịch. Thiếu các hướng dẫn chi tiết đã khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại về rủi ro pháp lý, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ khi hành lang pháp lý được đồng bộ và môi trường pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp mới có thể khai thác tối đa tiềm năng của hợp đồng điện tử trong thương mại và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan nhà nước có định hướng rõ ràng hơn trong việc ứng dụng hợp đồng điện tử nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính minh bạch trong giao dịch. Đặc biệt, cần có những giải pháp công nghệ như chữ ký số và định danh điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm an toàn, tin cậy cho các hợp đồng điện tử.
Các doanh nghiệp đề xuất sớm hoàn thiện hành lang pháp lý hợp đồng điện tử. Ảnh minh họa |
Về vấn đề này, bà Lê Hoàng Oanh - /chu-de/cuc-truong-cuc-thuong-mai-dien-tu-va-kinh-te-so.topic - cho biết, hợp đồng giao dịch thường chứa những thông tin quan trọng, nhạy cảm như: Dữ liệu cá nhân, vấn đề tài chính, hoặc thỏa thuận kinh doanh nên cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Khi lộ lọt các thông tin này, bên giao kết hợp đồng có thể phải đối mặt với rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như lừa đảo gian lận hợp đồng hay tổn thất tài chính hoặc uy tín.
Để giảm thiểu rủi ro, Bộ Công Thương đã tham gia đóng góp thể chế hóa việc ứng dụng hợp đồng điện tử. Trong đó, đã cùng các bộ, ngành: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính... tham mưu, trình Chính phủ văn bản để thực thi những vấn đề liên quan đến giao dịch hợp đồng trên môi trường điện tử như: Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Nghị định 52 và Nghị định 85. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử.
Thêm nữa, Bộ Công Thương đã xác nhận đăng ký cho 11 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Các tổ chức này đảm bảo về mặt kỹ thuật để quá trình ký kết hợp đồng, giao kết điện tử trên môi trường trực tuyến được diễn ra an toàn. Đồng thời, hướng tới việc kết nối kỹ thuật hỗ trợ với bên thứ ba như cơ quan thuế, ngân hàng, các tổ chức tài chính và cơ quan nhà nước quản lý giải quyết tranh chấp thực hiện các nghiệp vụ liên quan.
Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 8/2024, có 490.471 hợp đồng điện tử của các doanh nghiệp được các tổ chức này chứng thực; 48.533 doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử do các tổ chức này cung cấp.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như các chính sách đối với hợp đồng điện tử. Hiện nay, chưa có những quy định cụ thể về cách thức, điều kiện của hệ thống thông tin chuyển đổi từ hợp đồng bản giấy sang hợp đồng điện tử của ngược lại. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, hoàn chỉnh pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tế.
Bên cạnh đó, sẽ nghiên cứu, phát triển các công nghệ, kỹ thuật mới để ứng dụng hợp đồng điện tử trong tương lai. Bởi lẽ, công nghệ đóng một vai trò vô cùng quan trọng phát triển hợp đồng điện tử, đặc biệt là tính bảo mật để cho các doanh nghiệp tin dùng. Chính vì vậy, cần đầu tư công nghệ và kỹ thuật mới trong hợp đồng điện tử để được ứng dụng phổ biến, rộng rãi, thuận tiện.