Thanh Hóa: Xử lý nghiêm tình trạng khai thác tận diệt thủy sản
Theo phản ánh của người dân xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), vài ngày trở lại đây, trên sông Lạch Trường, đoạn qua thôn Nam Huân xuất hiện một số tàu cá đánh bắt thủy sản bằng hình thức giã cào, có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thủy sản.
Tái diễn tình trạng tàu cá khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào trên sông Lạch Trường. (Ảnh chụp ngày 17/4/2024) |
Một người dân trú tại thôn Hòa Hải, xã Hòa Lộc cho biết, người dân khu vực này sống bám vào sông nước bằng nghề đánh bắt cá, việc một số tàu lạ, công suất lớn dùng giã cào đánh bắt có nguy cơ tận diệt, cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản. Không chỉ có vậy, việc đánh bắt bằng giã cào chạy suốt ngày dẫn đến người dân không thể giăng lưới đánh cá như bình thường, thậm chí nhiều tay lưới đánh bắt cá cũng bị hư hỏng.
Đáng nói, một số hộ dân đã tổ chức đứng ra phản đối, yêu cầu họ chấm dứt việc dùng tàu kéo giã cào trên sông thì bị họ lấy gạch, đá ném lại và dùng lời lẽ đe dọa, uy hiếp.
Được biết, những người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ở đây, mỗi ngày bình quân kiếm từng từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, từ khi có đội tàu lạ vào khai thác, mọi hoạt động trên sông của bà con đều phải tạm dừng do đội tàu "quần thảo" liên tục trên sông.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cần xử lý dứt điểm tình trạng tàu giã cào khai thác thủy sản. (Ảnh chụp ngày 17/4/2024) |
Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Xuân Hán, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc cho biết, địa phương đã báo cáo lực lượng Biên phòng, Chi cục Thủy sản và phối hợp với các đơn vị có liên quan để giải quyết triệt để tình trạng trên.
Tính đến tháng 3/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.052 tàu cá; việc cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đạt 72,7%, việc cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho tàu dưới 12m đạt 87,1%, cho tàu từ 12m trở lên đạt 97,5%; 1.048 tàu cá được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, toàn tỉnh có 100% tàu thuyền được lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND cấp xã, huyện rà soát toàn bộ tàu cá trên địa bàn; xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên mất kết nối trên biển trên 10 ngày. Công tác quản lý tàu cá và triển khai thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 70 tàu cá “3 không”, 378 tàu cá mất kết nối trên 6 tháng, 359 lượt tàu cá mất kết nối trên biển 10 ngày; vẫn còn tình trạng tàu cá chưa đủ thủ tục giấy tờ đi khai thác, tàu cá khai thác sai vùng quy định. Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá Thanh Hóa chưa tham mưu xử lý dứt điểm các tàu vi phạm khai thác IUU; giám sát sản lượng thủy sản chưa đảm bảo.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sở đã nắm được thông tin và đang giao cho Chi cục Thủy sản ngay sáng mai (tức ngày 20/4-PV) phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm tra, nếu có sẽ xử lý nghiêm các trường hợp khai thác tận diệt thủy sản dưới mọi hình thức giả".
Được biết trong thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều nỗ lực thực hiện tốt chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Theo dự kiến, tháng 6/2024, Đoàn Thanh tra của EC tổ chức đợt thanh tra lần thứ 5 để xem xét gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương trọng điểm tại đợt thanh tra lần thứ 5.
Tại Phụ lục II, Thông tư 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định; danh mục nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trong đó có nghề cào đáy bằng khung sắt kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi; phạm vi bị cấm hoạt động là vùng lộng, vùng ven bờ, vùng nội địa. |