Thanh Hóa: Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp
Tiếp tục kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa, ngày 14/12, ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa đã nêu các nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trong thời gian tới.
Toàn cảnh kỳ họp |
Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho biết: Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư là doanh nghiệp để thành lập 45 cụm công nghiệp được phân bố cơ bản phù hợp theo các vùng miền trong tỉnh để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, với tổng diện tích 1.675,94 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.934,36 tỷ đồng, lũy kế vốn đầu tư 2.288,3 tỷ đồng.
Cụ thể, khu vực đồng bằng: 23 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 877,95 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký: 6.505,17 tỷ đồng, luỹ kế vốn đầu tư 1.228,9 tỷ đồng; khu vực ven biển có 11 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 342,47 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký: 2.615,69 tỷ đồng, luỹ kế vốn đầu tư 721,2 tỷ đồng; khu vực miền núi: 11 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 455,52 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký: 2.813,5 tỷ đồng, luỹ kế vốn đầu tư 338,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay có nhiều cụm công nghiệp chậm triển khai hạ tầng kỹ thuật. Cụ thể: Có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành toàn bộ hạ tầng cụm công nghiệp, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp đầu tư là cụm công nghiệp Thái Thắng, huyện Hoằng Hóa và cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa; có 3 cụm công nghiệp đã hoàn thành hạ tầng cụm công nghiệp theo giai đoạn, đủ điều kiện thu hút dự án thứ cấp là cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa; cụm công nghiệp Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc; cụm công nghiệp thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.
Ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa trả lời tại phiên chất vấn ngày 14/12 |
Ngoài ra, có 9 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thành thủ tục đầu tư, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, đang xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; 13 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành giải phóng mặt bằng; 15 cụm công nghiệp đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng; trong số 15 cụm công nghiệp thì có 2 cụm công nghiệp chủ đầu tư chưa tích cực triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, dự án đã chậm tiến độ quy định, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản đôn đốc và giao UBND các huyện làm việc với chủ đầu tư để làm rõ nguyên nhân để có hướng xử lý là cụm công nghiệp Hà Lĩnh II, huyện Hà Trung và cụm công nghiệp số 2 thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định.
Đặc biệt, có 2 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, tuy nhiên không triển khai các thủ tục để tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng. Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh xem xét việc chấm dứt hiệu lực quyết định thành lập là cụm công nghiệp Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc và cụm công nghiệp Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy.
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương nêu rõ: Việc chậm đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp do cả khó khăn chủ quan lẫn khách quan. Đầu tiên, phải nhắc đến nguyên nhân do năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần. Bên cạnh đó, một số cụm công nghiệp phải chờ quy hoạch xây dựng chung đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị thì mới lập và phê duyệt được quy hoạch chi tiết như: Cụm công nghiệp Quảng Châu, TP. Sầm Sơn; cụm công nghiệp Phía Tây Nam TP. Thanh Hóa; một số cụm công nghiệp chưa được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất lúa nên chưa có cơ sở triển khai dự án như: Cụm công nghiệp Dân Lý, Dân Lực, Dân Quyền, huyện Triệu Sơn...
Trả lại câu hỏi của đại biểu Đinh Công Thúy về trách nhiệm của Sở Công Thương đối với việc chậm triển khai hạ tầng tại các cụm công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Hàng tháng, Sở Công Thương Thanh Hóa đã rà soát về tiến độ của các cụm công nghiệp, xác định những khó khăn, vướng mắc, cái nào thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, cái nào thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, Sở Công Thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để chấm dứt hiệu lực của quyết định đối với chủ đầu tư đấy và lựa chọn chủ đầu tư mới.
Dẫn chứng về việc chấm dứt hiệu lực của quyết định đối với chủ đầu tư chậm triển khai hạ tầng cụm công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Như cụm công nghiệp Tam Linh, thành lập năm 2018 đến năm 2022 không làm gì, thời điểm đó có đợt dịch Covid-19, nên nhà đầu tư thấy không có đủ năng lực làm, cộng với việc những nhà đầu tư thứ cấp cam kết ký hợp đồng thì họ không đầu tư nữa dẫn đến chủ đầu tư gặp khó khăn. Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi dự án này và đã lựa chọn được nhà đầu tư mới, đến nay đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng...
Trả lời các đại biểu về giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Trong thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư cụm công nghiệp, UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành có liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung như: Đôn đốc nhà đầu tư tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện thủ tục đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp; lập và xin ý kiến thỏa thuận với cấp huyện để ban hành Quy chế quản lý riêng của cụm công nghiệp, tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý riêng của cụm công nghiệp; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Các chủ đầu tư có cụm công nghiệp chậm tiến độ theo quy định nếu việc chậm tiến độ là do nguyên nhân khách quan, lập hồ sơ theo quy định, trình UBND tỉnh để UBND tỉnh xem xét quyết định điều chỉnh tiến độ.
Kết luận về nội dung chậm triển hạ tầng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Sớm ban hành, triển khai và đảm bảo tính đồng bộ của các quy hoạch, như: Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch xây dựng vùng huyện, Quy hoạch phát triển đô thị, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chung xây dựng xã để có cơ sở lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp. Phải dành quỹ đất cần thiết để xây dựng các cụm công nghiệp; quan tâm cân đối, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa kết luận về nội dung chậm triển hạ tầng tại các cụm công nghiệp trên địa bàn |
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: "Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư của một số cụm công nghiệp còn vướng mắc. Thực hiện cải cách hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hiện đang làm chậm tiến độ đầu tư và đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp như: Quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở và dự án đầu tư, phòng cháy chữa cháy, thủ tục đấu nối giao thông, đường, điện, nước...
Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội đồng lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Trong đó, Sở Công Thương là cơ quan chủ trì tham mưu. Lựa chọn được những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm trong xây dựng các cụm công nghiệp; chủ động tránh lựa chọn những nhà đầu tư thiếu năng lực, đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp chỉ với mục đích giữ đất, hoặc chuyển nhượng dự án gây khó khăn trong việc xử lý, thu hồi dự án…".