Quyết tâm giữ nghề thổ cẩm Cơ Tu Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm để bảo tồn văn hoá |
Bà Hà Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Niêm cho biết, nghề dệt thổ cẩm bắt đầu xuất hiện ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa từ thế kỷ XVIII (khoảng năm 1749). Trải qua 272 năm hình thành và phát triển, bắt đầu từ khi thôn Lặn Ngoài mới thành lập với thế hệ dòng họ Hà và dòng họ Lò.
Người cao tuổi nhất hiện nay đang còn làm nghề là bà Lò Thị Dân (70 tuổi). Hiện nay, làng nghề dệt thổ cẩm có 81 hộ tham gia làm nghề dệt thổ cẩm với tổng số lao động là 86 người. Trong đó, chủ yếu lao động là phụ nữ. Sản phẩm chính làm ra là vải dệt thổ cẩm và các sản phẩm từ vải thổ cẩm như: khăn Piêu, cạp váy, gối, chăn…
Bà Lò Thị Dân - người cao tuổi nhất hiện nay đang còn làm nghề, truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho lớp trẻ |
Nói về quy trình làm ra các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, bà Lò Thị Dân cho hay: Để sản xuất ra được sản phẩm thổ cẩm phải qua rất nhiều khâu, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào sản xuất thủ công. Đầu tiên là trồng, chăm sóc và thu hoạch bông. Quả bông được tách ra, rồi dùng dụng cụ bật cho những sợi bông tơi và nhuyễn, thành dạng thô. Bông bật xong được đưa vào dụng cụ cán để tạo sự liên kết giữa các sợi bông. Sau khi cán, bông được vò thành từng nắm nhỏ rồi dùng dụng cụ để kéo thành sợi dài. Sợi bông được kéo xong, tiếp tục được đưa vào xa kéo sợi để xe bông thành chỉ. Sau đó, sợi được cuộn thành những cuộn chỉ to.
Để tấm vải có màu sắc, trước khi dệt, bà con vào rừng tìm một số loài cây để lấy lá, lấy vỏ, lấy rễ để làm màu đem về nấu cho đến khi nước có màu sắc rồi nhúng cuộn sợi vào nước khoảng 30 phút, sau đó đem phơi khô. Mỗi loại cây có một màu sắc, để có nhiều màu, dùng nhiều loại cây khác nhau hoặc pha chế để phối màu theo kinh nghiệm dân gian. Trong đó có câu ca “Muốn đen nhuộm chàm, nhuộm vỏ; muốn đỏ nhuộm vang; muốn vàng nhuộm nghệ…”. Sợi được ngâm màu và phơi khô, đảm bảo độ săn, dai, bền và chắc sẽ được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải theo ý muốn của người dệt.
Quy trình để làm ra được sản phẩm thổ cẩm truyền thống phải qua nhiều cung đoạn, mất nhiều thời gian và công sức |
Đến công đoạn dệt cũng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay, nhịp nhàng của đôi chân và tinh tế của đôi mắt để làm nên những sản phẩm có đường nét nhuần nhuyễn, màu sắc hài hòa, hoa văn tinh xảo, mang bản sắc dân tộc Thái ở huyện Bá Thước.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con, bà Hà Thị Thoi cho biết: “Hiện nay, các sản phẩm được tiêu thụ tại địa phương như: bán tại chợ Phố Đoàn, khu du lịch Pù Luông và khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại thôn mua hàng. Ngoài ra, sản phẩm truyền thống của làng nghề cũng đã vươn ra các điểm bán hàng, chợ phiên tại các xã, huyện lân cận và các tỉnh ngoài”.
Theo Bí thư Hà Thị Thoi, nghề dệt thổ cẩm có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của xã. Quan trọng nhất là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói, giảm nghèo và dần làm giàu. Từ đó ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ tạo ra nhiều việc làm, mà còn nâng cao đời sống cho người dân nơi đây, góp phần đưa xã Lũng Niêm đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2020.
Sản phẩm thổ cẩm truyền thống tại thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân tộc Thái huyện Bá Thước |
Nếu như ngày xưa những sản phẩm dệt thổ cẩm chỉ được tạo ra để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân bản địa, thì nay các sản phẩm này đã trở thành mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn khi đến tham quan, trải nghiệm với người dân. Mỗi một sản phẩm thủ công truyền thống đều có câu chuyện, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức tích lũy từ đời sống của đồng bào... và bảo tồn nghề dệt truyền thống là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Đến nay đã có 81 hộ gia đình tham gia với 86 lao động trực tiếp sản xuất. Sản phẩm dệt thổ cẩm của thôn Lặn Ngoài đã được huyện Bá Thước lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt đầu năm 2019, sản phẩm dệt thổ cẩm của thôn đã vinh dự được tham gia trưng bày tại Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất tại tỉnh Đắk Nông và đã đạt loại A; cuối năm 2019 đạt giải B tại Lễ hội thổ cẩm tỉnh Điện Biên.
Để phát triển làng nghề dệt thổ cẩm, xã Lũng Niêm đã xây dựng Phương án bảo vệ môi trường và được UBND huyện Bá Thước phê duyệt tại Quyết định số 2073/QĐ-UBND ngày 9/6/2021 về việc phê duyệt Phương án bảo vệ môi trường làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước.
Hy vọng, với những bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc người Thái thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, những sản phẩm thổ cẩm nơi đây sẽ vươn xa ra các thị trường lớn, góp phần gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nâng cao thu nhập cho đồng bào người Thái huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.