Đắk Nông: Đẩy mạnh đầu tư lưới điện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Công viên địa chất Đắk Nông trở thành Công viên địa chất Toàn cầu |
Năm 2020, đánh dấu một năm khó khăn với ngành du lịch. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế đầu tháng 10 khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết định tiếp tục chuỗi hoạt động, văn hóa, du lịch và xúc tiến đầu tư 2020 theo kế hoạch đề ra, trong đó có Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II.
Theo đó, Lễ hội sẽ có chủ đề “Lễ hội văn hóa du lịch – Tinh hoa Phương Đông”, với sự tham gia của nhiều địa phương trong cả nước như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bạc Liêu, An Giang…; cùng với đó là đại diện các đoàn nghệ nhân, diễn viên các nước Lào, Camphuchia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc... tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Lễ hội, ngoài Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông sẽ có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hứa hẹn mang đến những giá trị hấp dẫn dành cho du khách, như: Triễn lãm không gian văn hóa thổ cẩm; thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; trình diễn "Fashion Show – thổ cẩm; Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch 2020...
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cùng đại diện Bộ, ngành tại buổi họp báo về Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II tại Hà Nội |
Đắk Nông là tỉnh nằm ở phía nam Tây Nguyên, dân số khoảng 650 nghìn người, gồm 40 dân tộc anh em. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết, từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống của đồng bào tại địa phương. Trước đây, nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở Đắk Nông được phát triển rất sớm, rộng khắp các bon, buôn và đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần và phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lối sống mới, nghề dệt thổ cẩm của địa phương đang dần phai nhạt khi nhu cầu sử dụng trang phục truyền thống của đồng bào thay đổi; số nghệ nhân giữ lửa nghề truyền thống ngày cũng ít đi.
Thống kê của UBND tỉnh Đắk Nông cho thấy, với 147 bon, buôn, bản có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, qua đó, có 643 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm truyền thống, 50 nghệ nhân biết truyền dạy nghề. Toàn tỉnh có 1 hợp tác xã dệt thổ cẩm, 4 tổ dệt, 2 tổ liên kết, 4 nhóm dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, để tiếp tục bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm địa phương cần phải có sự cải tiến sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ, song song đó là phải giữ được giá trị cốt lõi văn hóa thổ cẩm của các dân tộc người thiểu số của Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông kỳ vọng sẽ sớm xây dựng thương hiệu cho dệt thổ cẩm của địa phương |
Trước những yêu cầu đang đặt ra đối với nghề dệt thổ cẩm, thông qua Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần này, chính quyền tỉnh Đắk Nông ngoài mong muốn quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về văn hóa, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, còn là dịp để địa phương nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền thông qua các chính sách cụ thể để định hướng phát triển nghề dệt thổ cẩm. “Trong đó, địa phương muốn tạo được động lực khuyến khích cộng đồng bảo tồn nghề truyền thống; tìm kiếm thị trường, xây dựng đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm qua việc thiết lập liên kết vùng với các hợp tác xã, câu lạc bộ hay các doanh nghiệp kinh doanh thổ cẩm. Xa hơn, là tiến tới xây dựng thương hiệu thổ cẩm các dân tộc Đắk Nông để tạo sản phẩm đặc sắc, vừa tạo việc làm cho bà con, vừa phục vụ phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và địa phương phát triển”- bà Tôn Thị Ngọc Hạnh chia sẻ.
Hiện tỉnh Đắk Nông đang xây dựng Hồ sơ khoa học nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận là Di sản cấp quốc gia 2020. |