Thứ tư 27/11/2024 12:04

Thanh Hóa: Đoàn viên làm giàu trên mảnh đất vùng biên nghèo khó

Thay vì phải kiếm sống, lập nghiệp ở các thành phố lớn, nhiều đoàn viên tại huyện biên giới Mường Lát lại chọn cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đoàn viên phát triển sản phẩm OCOP

Mường Lát là huyện biên giới xa nhất của tỉnh Thanh Hóa, cũng thuộc nhóm huyện nghèo nhất cả nước, với đặc điểm địa hình chủ yếu đồi núi nên việc phát triển kinh tế là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên trong những năm gần đây, bức tranh kinh tế, xã hội của huyện vùng biên này đã có nhiều khởi sắc. Để đạt được kết quả trên, không thể bỏ qua sự đóng góp của các đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi, đặc biệt là gắn với các sản phẩm OCOP; đơn cử như sản phẩm lúa nếp Cay Nọi, sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Mường Lát.

Lúa nếp Cay Nọi được người dân xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát trồng từ nhiều đời nay. Nhờ chất đất, khí hậu cùng kinh nghiệm chăm sóc của bà con, lúa có vị thơm đặc trưng, hạt căng tròn, trắng mẩy, thơm dẻo thường được dùng để đồ xôi, nấu chè, làm bánh...

Lúa nếp Cay Nọi, sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện biên giới Mường Lát. (Ảnh: QH)

Năm 2021, vợ chồng đoàn viên Lương Thị Nồng (dân tộc Thái, chồng là đoàn viên Lò Văn Liêm) thành lập Hợp tác xã nông lâm Chung Thành và xây dựng thành công lúa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Mường Lát trong năm 2021.

Đến năm 2022, Hợp tác xã nông lâm Chung Thành đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Lát triển khai mô hình phát triển sản xuất sản phẩm OCOP lúa nếp Cay Nọi tại bản Pùng trên diện tích 50 ha, với hơn 200 hộ dân bản địa tham gia.

Đây là mô hình đã tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của huyện, mở ra hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hợp tác xã nông lâm Chung Thành của gia đình đoàn viên Lương Thị Nồng góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi. (Ảnh: QH)

Theo tính toán, với giá bán tương đối ổn định trong thời gian qua, người trồng lúa có thể thu lợi nhuận từ 3 đến 3,5 triệu đồng/sào/vụ, tương đương 70 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn hẳn các loại cây trồng bản địa. Cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đến năm 2023, huyện Mường Lát đã chỉ đạo mở rộng diện tích lúa nếp Cay Nọi ra toàn bộ diện tích đất trồng lúa nước của các xã Quang Chiểu, Mường Chanh và thị trấn Mường Lát (chủ yếu ở địa bàn xã Tén Tằn cũ) với trên 600 ha. Tính toán sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, sản lượng lúa nếp Cay Nọi trên địa bàn huyện trong năm 2023 đạt gần 3.000 tấn, tương đương gần 2.000 tấn gạo.

Hiện tại, Hợp tác xã nông lâm Chung Thành của gia đình đoàn viên Lương Thị Nồng đã thu mua, cung ứng sản phẩm lúa nếp Cay Nọi ra thị trường các tỉnh như Hòa Bình, Ninh Bình, TP. Thanh Hóa cùng một số huyện trong tỉnh.

Truyền cảm hứng, tiếp sức cho đoàn viên

Vi Văn Đợi (sinh năm 1993, dân tộc Thái), Bí thư Chi đoàn khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát là một điển hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế và truyền cảm hứng, tiếp sức giúp các đoàn viên khác thoát nghèo tại huyện Mường Lát. Tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thay vì thi đại học, Đợi đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhiều năm bôn ba, năm 2020 Đợi trở về quê hương lập nghiệp. Xác định thế mạnh và hạn chế của địa phương, anh đã đầu tư phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi.

Đoàn viên Vi Văn Đợi đã dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế. (Ảnh: QH)

Năm 2021, Đợi đã vay ngân hàng 100 triệu đồng, vay của gia đình, người thân thêm khoảng 200 triệu nữa để mua bò về vỗ béo rồi bán. Thời điểm đầu, Đợi mua gom của người dân trong bản khoảng 10 con bò về vỗ béo tại chuồng khoảng 6 tháng, khi nào được giá thì bán. Ngoài ra Đợi còn thả vùng sinh sản khoảng 40 con và trồng khoảng 20ha cây lát, 10ha cây keo, 4ha cây măng bát độ và nhiều cây trồng khác như ngô, sắn, chuối...

Nhận thấy tiềm năng về nông lâm sản, Đợi đã thành lập Hợp tác xã phát triển dịch vụ nông lâm sản Mường Lát, chuyên cung cấp giống, bao tiêu các sản phẩm nông, lâm nghiệp địa phương. Hiện tại, trang trại của gia đình Đợi và Hợp tác xã mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đợi cũng đã mở rộng khoảng 10km đường để bà con thôn bản đi lại, làm việc.

Vi Văn Đợi đã kết hợp rất nhiều mô hình để phát triển kinh tế. (Ảnh: QH)

Không chỉ là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, với vai trò là một Bí thư Chi đoàn tiêu biểu, Vi Văn Đợi luôn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ một số hộ gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đợi cũng luôn tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động, đặc biệt luôn tiên phong trong thực hiện phong trào lập thân, lập nghiệp, cống hiến sức mình cho quê hương, tạo việc làm cho thanh niên địa phương.

Phó Bí thư đoàn thị trấn Mường Lát Hà Văn Luật chia sẻ, Vi Văn Đợi là một Bí thư Chi đoàn dám nghĩ dám làm, là một trong 6 gương mặt tiêu biểu của huyện Mường Lát về phát triển kinh tế. Ngoài phát triển kinh tế cho gia đình, Đợi còn tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho các đoàn viên khác trong chi đoàn. Đợi cũng luôn nhiệt tình ủng hộ, hỗ trợ các chương trình của khu phố, của Chi đoàn cũng như của Huyện đoàn phát động.

“Đặc biệt, Đợi là người đã truyền cảm hứng rất lớn cho các đoàn viên khác, Đợi đã nhiều lần chia sẻ về kinh nghiệm, ước mơ, khát vọng làm giàu đến các đoàn viên để tạo động lực và sẵn sàng hỗ trợ các đoàn viên khi cần thiết”, Phó Bí thư đoàn thị trấn Mường Lát chia sẻ.

Không chỉ làm giàu cho mình, Vi Văn Đợi còn luôn truyền cảm hứng, tạo động lực, khát vọng làm giàu đến các đoàn viên khác. (Ảnh: QH)

Bí thư huyện đoàn Mường Lát Lâu Văn Phía chia sẻ, trên địa bàn huyện có 16 đầu mối tổ chức đoàn cơ sở với hơn 10 nghìn đoàn viên trong độ tuổi, tuy nhiên có khoảng hơn 3.000 đoàn viên học tập, đi làm ăn xa.

Trong số đó có nhiều đoàn viên làm kinh tế giỏi, ngoài Vi Văn Đợi, Lương Thị Nồng còn có các trường hợp khác như Lò Thị Cúc, Ủy viên Ban thường vụ đoàn xã Quang Chiểu, chuyên làm và bán các sản phẩm ẩm thực của người Thái; Lò Khăm Định, đoàn viên xã Trung Lý với mô hình chăn nuôi lợn bản địa…

“Trong thời gian qua, công tác tập huấn xây dựng sản phẩm OCOP và hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; phối hợp với các cơ quan đơn vị, ngành có liên quan để tạo cơ chế hỗ, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, thanh niên hoàn lương, công an, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xuất khẩu lao động luôn được quan tâm, thực hiện.

Đồng thời Huyện đoàn Mường Lát đã hỗ trợ và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tê; duy trì mô hình “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”. Tiếp tục tham gia triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, kết nối đầu ra, quảng bá sản phẩm giúp thanh niên”, Bí thư Huyện đoàn Mường Lát Lâu Văn Phía chia sẻ thêm.

Quốc Huy
Bài viết cùng chủ đề: sản phẩm OCOP

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Di dời hơn 200 hộ dân sống ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

Quảng Nam: Sóng lớn lại xé toạc bờ biển Hội An

Quảng Nam: Phát hiện một cá thể voi đi lạc giữa đồng bằng

Quảng Ninh: Đông Triều nỗ lực hướng tới môi trường xanh trong sản xuất, khai thác than

An Giang: Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng

Tuyên Quang: Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, phát triển chợ, siêu thị

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024 tại Thái Bình

Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Sẽ sớm ổn định cuộc sống cho người dân khu tái định cư dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu