Thanh Hóa có hơn 800 cơ sở gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Hơn 800 cơ sở gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Theo số liệu báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, địa phương này hiện có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh (cơ sở) đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bao gồm các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm (342 cơ sở); chế biến đá xẻ, đá ốp lát (190 cơ sở); chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng (109 cơ sở); thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì (75 cơ sở); …
Các cơ sở này tập trung ở 18/27 huyện, thị xã, thành phố như: TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn; thị xã Nghi Sơn, các huyện: Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung….
Trong đó có 700/826 (chiếm 84,74%) cơ sở đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố không đầu tư các công trình bảo vệ môi trường/đầu tư không đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường. Việc không thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường này dẫn đến chất thải không được thu gom, xử lý/xử lý triệt để, xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường; nhiều cơ sở, hộ gia đình đã bị người dân, báo chí phản ánh nhiều lần.
Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri - Vina tại xã Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh Hóa) liên tục gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: QH) |
Hầu hết các cơ sở hoạt động tự phát trên đất ở của hộ gia đình, trên đất thuộc quy hoạch khu dân cư, đô thị.., mặt bằng sản xuất chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động thủ công; chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường; không đầu tư đầy đủ công trình xử lý chất thải hoặc công trình còn sơ sài, không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom, xử lý triệt để thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân xung quanh.
Qua kiểm tra, xác minh cho thấy, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại chỗ của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn hẹp, kinh phí hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu xây dựng công trình xử lý chất thải, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế,...
Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang vừa ký Quyết định số 1671/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.
Di dời 700 cơ sở trước năm 2030
Theo kế hoạch, 700 cơ sở gây ô nhiễm (thuộc phạm vi Đề án); trong đó có 673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch; bao gồm: 394/673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường (chiếm 58,54%); 279/673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường (chiếm 41,45%).
Đề án trên sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn; cụ thể, trong giai đoạn 2024 - 2025, rà soát cập nhật số liệu để đánh giá, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường với các mức độ khác nhau. Thông tin, tuyên truyền trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, hộ gia đình, chủ sở hữu cơ sở sản xuất gây ô nhiễm; chỉ đạo các cơ sở gây ô nhiễm xây dựng phương án xử lý; tổ chức thẩm định, phê duyệt các phương án xử lý.
Tiếp đến, giai đoạn 2026 - 2027, Thanh Hóa di dời toàn bộ/chuyển đổi ngành nghề/dừng hoạt động 110 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường thuộc các phường của đô thị từ loại IV trở lên (110 cơ sở).
Việc di dời các cơ sở chế tác đá gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp là vô cùng cần thiết. (Ảnh: QH) |
Tỉnh Thanh Hóa sẽ đầu tư đầy đủ, vận hành thường xuyên các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở thuộc trường hợp gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường hoặc không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường nhưng thuộc loại hình có thể giảm quy mô, công suất để đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường 25 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Trong 3 năm tiếp theo 2028 - 2030, Thanh Hóa sẽ di dời/chuyển đổi ngành nghề/dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn lại là 565 cơ sở.
Cũng theo đề án trên, việc di dời phải kết hợp đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ; tiết kiệm năng lượng; đảm bảo vấn đề môi trường, nhằm tránh việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm từ nơi này đến nơi khác.
Địa điểm tiếp nhận các cơ sở di dời là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung cùng địa bàn/địa bàn lân cận, đảm bảo ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc các vị trí mới được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương thực hiện dự án. Việc sử dụng diện tích đất tại vị trí đã di dời của các cơ sở phải di dời thực hiện theo quy hoạch xây dựng của địa phương, quy định của pháp luật đất đai và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các cơ sở di dời sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ; miễn, giảm tiền thuê đất; ưu đãi về thuế;… theo quy định của pháp luật hiện hành.