Thành phố Thái Bình đẩy mạnh chuyển đổi số Thái Bình: Đánh giá kết quả triển khai Đề án 06 |
Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Bình hiện nay có 805 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, liên hiệp HTX và quỹ tín dụng nhân dân, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 328 HTX (chiếm 73,5%) với mức doanh thu bình quân đạt 1,68 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của Thái Bình đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào kênh phân phối hiện đại. Hầu hết các sản phẩm đã có mặt trên thị trường tại những tỉnh, thành phố lớn.
Nhiều sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của vùng quê lúa, đã vươn tới các thị trường trên cả nước như: mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân, sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cói Tây An - Tiền Hải... Một số sản phẩm là hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt có những sản phẩm gạo mang thương hiệu Thái Bình như: Gạo nếp bể làng Keo (HTX Kinh doanh nông sản làng Keo), gạo Thơm chợ Gốc (HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh)…
Đóng góp không nhỏ vào sự vươn mình này, chính là việc áp dụng chuyển đổi số.
Bánh cáy Thiên Đức - sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh của Thái Bình đã được nâng tầm nhờ áp dụng thương mại điện tử. Ảnh: Thụy Anh |
Năm qua, Liên minh HTX tỉnh Thái Bình tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, hướng đến kết nối liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu chương trình OCOP.
Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử đã giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn nhờ tính tiện lợi, thông tin minh bạch và khả năng giao dịch trực tiếp với người bán. Người tiêu dùng không chỉ tiếp cận các sản phẩm nông sản chất lượng từ Thái Bình mà còn nhận được các ưu đãi và khuyến mãi hấp dẫn. Họ có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi, góp phần tăng cường kết nối giữa người tiêu dùng và sản phẩm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của thị trường nông sản trực tuyến.
Áp dụng chuyển đổi số đã giúp việc phát triển sản phẩm OCOP tại tỉnh Thái Bình vượt 29,67% so với mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Thái Bình có 150 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Thái Bình trong thay đổi nhận thức, quyết tâm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phong trào phát triển ổn định, có tính bền vững.
Áp dụng chuyển đổi số đã giúp việc phát triển sản phẩm OCOP tại tỉnh Thái Bình vượt 29,67% so với mục tiêu. Ảnh: Hoàng Giang |
Theo Liên minh HTX tỉnh Thái Bình, chương trình OCOP là một hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra nhiều cơ hội phát triển. Với sự hỗ trợ đồng bộ và quyết tâm của địa phương, các sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định chất lượng mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông thôn Thái Bình.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Thái Bình nói riêng cũng như chính quyền tỉnh Thái Bình nói chung sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm và phát triển thị trường thông qua truyền thông, thương mại trực tuyến và các hội chợ. Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ cộng đồng phát triển sản phẩm mới và nâng cấp các sản phẩm đã được phân hạng.