Hội nghị đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm số hoá dữ liệu hộ tịch, một số nhiệm vụ Đề án 06 và thực trạng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Ông Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh Thái Bình chủ trì hội nghị.
Theo số liệu từ UBND tỉnh Thái Bình, ngày 4/12/2024, tổng số dữ liệu của tỉnh chuyển lên phần mềm hộ tịch 158 đạt 3,46%. Hiện nay, việc số hóa dữ liệu hộ tịch đang gặp một số tồn tại, hạn chế như: kết quả số hóa dữ liệu hộ tịch ở một số địa phương đạt kết quả ở mức rất thấp, công tác phối hợp giữa các ngành trong quá trình triển khai thực hiện ở một số đơn vị cấp xã chưa chặt chẽ, gắn kết.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phạm Văn Nghiêm thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế gồm tiến độ thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch còn chậm, một số nhiệm vụ Đề án 06 và thực trạng dịch vụ công trực tuyến chưa đạt mục tiêu đề ra.
Để phấn đấu đến 31/12/2024 hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan, bằng những giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, tồn tại. Với quan điểm không trông chờ, không ỷ lại, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Công an tỉnh Thái Bình chỉ đạo công an các huyện, xã tập trung lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, bố trí thiết bị máy móc và báo cáo tiến độ thực hiện theo ngày cho Tổ Công tác Đề án 06. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn bám sát chỉ tiêu thực hiện số hoá dữ liệu hộ tịch. Sở Tư pháp chỉ đạo công tác thực hiện số hoá dữ liệu hộ tịch tại các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tăng cường kiểm tra tại các địa phương thực hiện còn thấp.
Đối với việc triển khai sổ sức khỏe điện tử, ông Nghiêm yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức kích hoạt sổ sức khoẻ điện tử và thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID; phấn đấu đến ngày 31/12/2024, 100% công dân từ 14 tuổi trở lên đã được cấp mã định danh mức độ 2 có thể kích hoạt sổ sức khỏe điện tử và thẻ bảo hiểm y tế. Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh Thái Bình và các đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trên ứng dụng VNeID, phấn đấu đến 31/12/2024 sẽ xếp trong top 10 toàn quốc.
Bên cạnh đó, Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình phối hợp với Công an tỉnh Thái Bình, Sở Tư pháp, Sở Y tế tổ chức chuyên đề, phóng sự tuyên truyền để người dân hiểu sâu hơn những lợi ích về sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, từ đó nhiệt tình tham gia.
Đối với cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ông Phạm Văn Nghiêm đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Thái Bình thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng kết quả thực hiện của từng đơn vị; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Bình kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cụ thể hóa từng nội dung thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, đưa vào một trong những nội dung để đánh giá thi đua khen thưởng.
Đối với việc chi trả lương hưu, an sinh không dùng tiền mặt, các địa phương hoàn thành việc mở tài khoản ngân hàng cho các trường hợp hưởng lương hưu, an sinh xã hội đủ điều kiện trước ngày 20/12/2024 và bắt đầu thực hiện chi trả từ tháng 1/2025.
Toàn tỉnh Thái Bình đã kích hoạt 247.565 sổ sức khỏe điện tử, đạt 14,85%; tích hợp 254.766 thẻ bảo hiểm y tế, đạt 15,28%; đẩy 9.505 giấy chuyển tuyến và 18.296 giấy hẹn khám lại lên ứng dụng VNeID. Đối với cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, từ ngày 31/10 đến 3/12/2024, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đã tiếp nhận 695 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, đã thực hiện cấp 288 phiếu lý lịch tư pháp điện tử tại ứng dụng VNeID. Mặc dù là địa phương triển khai sau, tuy nhiên số lượng hồ sơ tiếp nhận của Thái Bình lại cao so với các địa phương khác, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ dịch vụ công một phần đạt 22,73%; dịch vụ công toàn trình đạt 40,69%; các thủ tục hành chính còn lại (chưa phê duyệt dịch vụ công trực tuyến) là 36,58%. Kết quả dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thấp hơn so với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh gây ảnh hưởng đến chỉ số công khai minh bạch theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. |