Thứ hai 18/11/2024 01:19

Tập trung chế biến, nâng cao giá trị nông sản

Giá xuất khẩu (XK) một số cây công nghiệp trên thị trường quốc tế giảm đã tác động đến giá XK của các mặt hàng cây công nghiệp của Việt Nam 2 tháng năm 2019. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong XK như: thủy sản, gỗ, trái cây. Thúc đẩy XK và kiểm soát nhập khẩu, tập trung chế biến, nâng cao giá trị nông sản sẽ là giải pháp mà ngành nông nghiệp đang hướng tới.

Sáng ngày 1/3, tại Hà Nội, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) phối hợp cùng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) tổ chức họp báo công bố tình hình thị trường nông sản 2 tháng đầu năm và dự báo diễn biến tháng 3/2019.

Tập trung chế biến, nâng cao giá trị nông sản

2 tháng năm 2019, XK nông lâm thủy sản giảm 1,6%

Kim ngạch XK nông lâm thuỷ sản tháng 2/2019 ước đạt 1,93 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,71 tỷ USD, giảm 10,1%; giá trị XK thuỷ sản ước đạt 1,11 tỷ USD, tăng 4,4%; Giá trị XK chăn nuôi ước đạt 77 triệu USD, giảm 7%; Giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12,8%. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 2/2019 ước đạt 1,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 4,59 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.

Ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và Ngành hàng (IPSARD) - cho hay, trong bức tranh XK của nông sản Việt Nam có nhiều mảng màu sáng tối đan xen. Trong các mặt hàng cây công nghiệp, trừ chè là có sự gia tăng về sản lượng và giá trị XK, còn lại hầu hết các mặt hàng đều giảm cả lượng và giá trị như: cà phê, tiêu, điều; Cây cao su mặc dù sản lượng tăng nhưng giá tiếp tục giảm.

Việc giảm giá của thị trường các sản phẩm cây công nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, có hiện tượng dư cung trên thị trường quốc tế. Cụ thể, đối với cây cà phê, sau thời điểm giá cao trong giai đoạn 2010-2011, đã đẩy các nước thực hiện các chương trình tái canh cây cà phê. Tại Brazil hay Colombia việc thực hiện chương trình tái canh, tăng năng suất khiến sản lượng của Colombia tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2010-2011, tương tự như vậy, cà phê của Brazil cũng tăng gấp rưỡi so với thời điểm 2010-2011. Ngành hàng này được dự báo đến giữa năm 2019 giá vẫn tiếp tục suy giảm.

Tương tự như vậy, đối với mặt hàng tiêu, thời điểm giá tiêu tăng dẫn đến tình trạng các nước mở rộng diện tích trồng tiêu, tăng cung một cách quá mạnh. Dẫn đến giá tiêu hiện nay giảm, dự báo con số sẽ giảm xuống 40.000 đồng/kg, gần bằng với giá thành.

Khối lượng xuất khẩu chè 2 tháng đầu năm 2019 đạt 19 nghìn tấn và 31 triệu USD, tăng 14,3% về khối lượng và tăng 22,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018

Đẩy mạnh chế biến, nâng cao giá trị nông sản

Tại buổi họp báo, câu hỏi của các phóng viên, báo chí đã tập trung vào các vấn đề như: Vì sao XK nông lâm thủy sản giảm so với cùng kỳ? Trước đó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo XK gạo sẽ khởi sắc trong năm 2019 nhưng thực tế 2 tháng đầu năm nay, ngành lúa gạo đang gặp khó vì sao? Vấn đề phát triển thị trường, định hướng cho cây công nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho biết: Về dự báo giá gạo, thông tin dự báo đưa ra là tại thời điểm đó khi chúng ta tận dụng các lợi thế của ngành lúa gạo. Nhưng thị trường diễn biến khôn lường, nên việc dự báo chưa “trúng và đúng”. Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, khi rà soát lại ngành lúa gạo, cho thấy, ngành này cũng không đến mức khó khăn. Một số doanh nghiệp, tổng công ty lớn vẫn có các hợp đồng với Chính phủ. Và phải cuối năm mới có thể đánh giá được tổng thể.

Đến thời điểm hiện nay, giá lúa IR 50404 đã ổn định ở mức 4.600 đồng/kg và duy trì trong 3 ngày hôm nay. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã nhận định, đây là mức giá phù hợp, phản ánh đúng tình hình, phù hợp với người dân và các bên liên quan.

Liên quan đến kim ngạch XK, nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Toản cho hay, con số thặng dư thương mại nông lâm thuỷ sản 2 tháng đầu năm đạt khoảng 1 tỷ USD. Như vậy, chúng ta phải phấn đấu làm tốt cả 2 chiều: XK và kiểm soát nhập khẩu. Có như vậy, ngành nông nghiệp mới có thặng dư để phát triển bền vững.

Cũng theo ông Toản, đối với XK nông lâm thủy sản, quan trọng nhất là số lượng và giá XK. Giá XK một số cây công nghiệp trên thị trường quốc tế giảm đã tác động đến giá XK của các mặt hàng cây công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những điểm sáng trong XK như: thủy sản, gỗ, trái cây.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia quốc tế, chu kỳ giảm giá các sản phẩm cây công nghiệp phải hết năm 2019 mới kết thúc và mới có thể phục hồi. Do đó, giải pháp đưa ra trong thời gian tới đó là vẫn phải duy trì bằng sản lượng, chất lượng, bảo vệ năng lực sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, những mặt hàng dư địa rất lớn như gỗ và thủy sản sẽ tiếp tục phát huy.

Trong năm 2017-2018 chúng ta đã tập trung mạnh vào khâu chế biến với 17 nhà máy chế biến được khánh thành, tổng mức đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2019 sẽ tiếp tục tập trung vào khâu chế biến. Trong quý 1 và đầu quý 2/2019, sẽ có tổ hợp Đồng Giao về chế biến rau củ quả tại Gia Lai được khánh thành. Khoảng tháng 4/2019, sẽ khánh thành tổ hợp của Nafoods tại Tây Bắc (Sơn La). Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các địa phương trọng điểm để cùng với các doanh nghiệp thiết kế các dự án chế biến trên địa bàn. “Tại Bình Thuận, đây là vùng rốn của trái thanh long, hiện Nafoods đã vào và đầu tư nhà máy chế biến tại đây”, ông Toản cho biết thêm.

Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu là 4,3 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định chưa bao giờ khó khăn về mặt thị trường như năm nay, đặc biệt là thị trường quốc tế. Do đó, cần chủ động các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra.
Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Xuất khẩu hàng hóa: Dồn lực trong chặng đường về đích

Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm mang về cho Việt Nam 594,8 triệu USD

Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với một số nước

Doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ thông tin về thị trường xuất khẩu

Việt Nam chi 2,89 tỷ USD nhập khẩu hạt điều

Xuất khẩu sầu riêng: Nhận định nào về đối thủ cạnh tranh?

Cơ hội nào cho thủy sản xuất khẩu sang Mỹ sau bầu cử Tổng thống mới?

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ tăng mạnh vào đầu năm 2025

Giá cà phê xuất khẩu bình quân tăng kỷ lục, 10 tháng Việt Nam thu về 4,6 tỷ USD

'Rộng cửa' xuất khẩu giày dép sang thị trường Chile

Nhập khẩu thịt heo có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5/2024 đến nay

Thương mại Việt Nam và Peru, Chile ‘khởi sắc’ nhờ Hiệp định CPTPP

Đắk Lắk: Huyện Krông Pắc tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng niên vụ năm 2024