Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Đẩy nhanh tiến độ các công trình điện
Khó khăn cung cấp điện
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%. Sự tăng trưởng này cùng với yếu tố thời tiết đã khiến nhu cầu điện tăng cao. Theo báo cáo của (EVN), sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 6/2022 đạt 24,52 tỷ kWh. Lũy kế 6 tháng đạt 133,11 tỷ kWh, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Tổng giám đốc EVN kiểm tra Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 |
Đặc biệt, trong tháng 6 năm 2022, nắng nóng diễn ra tại cả 3 miền nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Công suất đỉnh của toàn quốc cũng lên kỷ lục mới ở mức 45.528MW vào ngày 21/6/2022 (tăng gần 3.100 MW so với công suất đỉnh năm 2021). Sản lượng ngày cao nhất cũng lên mức kỷ lục mới với 900 triệu kWh vào ngày 21/6/2022.
Dù hệ thống nguồn và lưới điện vẫn đảm bảo an toàn, cung ứng đủ điện cho nền kinh tế song với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng phục hồi cao, cùng như cầu sử dụng điện tăng; thêm vào đó việc mất cân đối vùng miền, nguồn năng lượng tái tạo tăng… dẫn đến việc cấp điện sẽ còn gặp khó khăn giai đoạn tới.
Theo báo cáo, giai đoạn 2021 - 2025, EVN dự kiến đầu tư 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 8.240 MW. Bên cạnh đó, hàng trăm dự án lưới điện với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 600.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ các công trình điện đang gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do như nguồn vốn, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…
Quyết tâm vượt khó
Mặc dù gặp nhiều khó khăn cả yếu tố khách quan, chủ quan nhưng EVN và các đơn vị đã và đang nỗ lực đẩy nhanh các giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn và lưới điện. Bên cạnh công tác chỉ đạo điều hành, ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết vướng mắc của đơn vị liên quan, EVN đã đẩy mạnh áp dụng các công nghệ phục vụ theo dõi, quản lý dự án; cùng với sự vào cuộc của các đơn vị để tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, đối với các dự án lưới điện truyền tải như đường dây 500kV mạch 3 đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch; cụm dự án đường dây giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1; các dự án đường dây 220kV nhập khẩu điện từ Lào và từ Trung Quốc về Việt Nam…, EVN đã chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cũng như bồi thường giải phóng mặt bằng; yêu cầu các đơn vị thi công chủ động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Đối với các dự án nguồn điện quan trọng như Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn IV, thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I…, EVN thường xuyên kiểm tra đôn đốc và cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Nhờ các hoạt động tích cực, tính đến hết tháng 6/2022, EVN và các đơn vị đã khởi công 67 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 49 công trình lưới điệntừ 110 kV đến 500kV. Bên cạnh đó, EVN và các đơn vị đã hoàn thiện xong quy trình quản lý chất lượng dự án và quy trình quản lý chất lượng nội bộ khối lưới phân phối.
Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục bám sát tiến độ thi công, đảm bảo kế hoạch đóng điện các công trình lưới điện quan trọng: Đường dây 500kV Vũng Áng - Quảng Trạch, Trạm biến áp 220kV Chư Sê và đấu nối, mạch 2 đường dây 220kV Lào Cai - Bảo Thắng... Về dự án nguồn điện, sẽ tiếp tục tập trung thi công các dự án thủy điện Ialy MR, Nhiệt điện Quảng Trạch I, các dự án ĐMT Phước Thái 2, 3.
Dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng EVN cùng các đơn vị thành viên sẽ nỗ lực cao độ, tập trung triển khai những dự án được giao đúng tiến độ, góp phần đảm bảo điện cho nền kinh tế. |