Bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng trưởng cao
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế đến cuối tháng 7 tháng/2019 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 654.075 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu kinh tế nhà nước đạt 40.121 tỷ đồng, chiếm 6,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; Khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đạt 98.161 tỷ đồng, chiếm 15%, tăng 12,2%.
Hàng Việt được bày bán tại siêu thị AEON |
Theo ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thị trường hàng hóa tăng trưởng nhanh là do tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng thành phố nói riêng và cả nước nói chung luôn giữ được ở mức cao. Cùng với đó, nguồn cung hàng hóa cũng dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá...
Nhằm góp phần bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2019, thành phố sẽ triển khai tích cực Chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết, mùa vụ. Ngoài ra, tại các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành tới đây được kỳ vọng sẽ có nhiều phương án đảm bảo cung - cầu hàng hóa nói chung, góp phần bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn.
Dự báo thị trường bán lẻ hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh có thể đạt mức tăng trưởng 13 - 14% trong năm 2019.
Tăng cường bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước
Cùng với việc duy trì bình ổn thị trường những tháng cuối năm, trong Kế hoạch thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2020, UBND TP giao vừa giao các đơn vị lên phương án, giải pháp tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, giúp DN đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung ứng, phân phối hàng hóa, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt.
Theo đó, Sở Công Thương có phương án, giải pháp ứng phó kịp thời tình hình kinh tế, thương mại, giá cả thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được nuôi trồng, theo quy trình VietGap, GlobalGap... Đồng thời, các đơn vị cần đẩy mạnh tổ chức các hội chợ triển lãm, phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, xí nghiệp đông công nhân. Các đơn vị tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, đặc biệt trong các dịp lễ, tết; đa dạng, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối DN với DN, DN với người tiêu dùng...
Dưới góc độ cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư cho thành phố, ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho hay, thành phố sẽ tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn và các thị trường mang tính đột phá; tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong cung ứng, phân phối hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, các ngành chức năng cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và gian lận thương mại. Từ đó, các cơ quan cùng góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam nâng cao nhận thức, đạo đức của DN, nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam trên địa bàn.