Tạo đà khai thác tiềm năng, lợi thế vùng Tây Bắc
Tính đến 30/6/2018, vùng Tây Bắc có 2.463 HTX, chiếm 11,7% tổng số HTX toàn quốc, tăng 562 HTX so với năm 2013. Bên cạnh một số HTX đang phát huy hiệu quả, thu hút sự tham gia ngày càng đông các thành viên… vẫn còn rất nhiều mô hình KTHT, HTX gặp nhiều khó khăn dẫn đến hoạt động không hiệu quả.
Phát triển cây ăn quả đang là hướng đi hiệu quả của nhiều HTX ở Sơn La |
Tại Hội thảo “Phát triển KTHT, HTX trên địa bàn Tây Bắc - Tiềm năng, thách thức và giải pháp” tổ chức mới đây tại Sơn La, phân tích về những hạn chế của mô hình KTHT, HTX, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Nguyên nhân là do tổ chức, quản trị, hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; doanh thu, lợi nhuận của nhiều HTX, tổ hợp tác còn thấp, một số HTX, tổ hợp tác nông nghiệp còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, chậm tái cơ cấu hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Đa số các HTX, tổ hợp tác chưa có liên kết sản xuất, tiêu thụ, thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại địa phương, hoặc phụ thuộc vào thương lái; thu nhập của thành viên HTX còn thấp, nhiều thành viên chưa tin tưởng Hội đồng quản trị HTX. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương và một số sở ngành trong xây dựng KTHT, HTX còn hạn chế” - ông Nguyễn Ngọc Bảo nhìn nhận.
Những hạn chế này cần sớm được khắc phục, bởi lẽ, vùng Tây Bắc là cửa ngõ phía Tây của Tổ quốc, có biên giới giáp với Lào, Trung Quốc, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Nếu có mô hình, cách thức quản lý tốt, các HTX, KTHT hoàn toàn có thể phát triển dựa vào việc khai thác thế mạnh nổi trội về tài nguyên rừng, khoáng sản và kinh tế cửa khẩu của khu vực này.
Dẫn câu chuyện của tỉnh Sơn La, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La thông tin: Sau khi HĐND tỉnh Sơn La phê duyệt Đề án Phát triển HTX gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 76 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho việc thành lập, tư vấn, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX.
Đến nay, Sơn La đã có 514 HTX và 4 Liên hiệp HTX hoạt động theo luật HTX năm 2012. Từ các HTX này, đã hình thành 57 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định, nhiều sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ. Trong số doanh thu vài chục tỷ đồng/năm của các HTX, có không ít các thành viên HTX trồng cây ăn quả có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, nhiều diện tích trồng xoài, nhãn, na, chanh leo cho năng suất gấp cả 10 - 20 lần trồng ngô, lúa.
Bà Vũ Thị Nhuận (bản Văn Minh, xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Từ khi tham gia làm thành viên của HTX Hưng Thịnh, gia đình bà chỉ tập trung chăm sóc vườn cây theo hướng dẫn của HTX, đầu ra của sản phẩm đã có HTX lo, mà giá sản phẩm lại cao hơn nhiều so với khi chưa tham gia vào HTX.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo “Phát triển KTHT, HTX trên địa bàn Tây Bắc - Tiềm năng, thách thức và giải pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao vai trò của khu vực KTHT, HTX trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng khu vực KTHT, HTX của cả nước đang từng bước tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho thành viên và người lao động, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng trong mục tiêu quốc gia giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước. Chính vì vậy, tới đây cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, xây dựng mô hình quản lý HTX và KTHT sao cho hiệu quả, phù hợp. “HTX là hợp vốn, hợp sức với nhau. Nếu triển khai, quản lý tốt sẽ có vốn nhiều, sức mạnh, khi đó khó nhọc ít mà lợi ích nhiều” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.