Thừa Thiên Huế: Hơn 500 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững Chuyển đổi số: Nâng cao hiệu quả trong công tác giảm nghèo |
Xin ông cho biết một số thông tin về hiện trạng phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang?
Hà Giang là tỉnh miền núi, tiếp giáp tỉnh Vân Nam và Quảng Tây Trung Quốc, trên địa bàn có 19 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông, Tày, Dao chiếm tỷ lệ cao. Căn cứ điều kiện thực tế, trong những năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh luôn quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống bằng việc quy hoạch các cụm công nghiệp, lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư máy móc nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất cũng như công tác xúc tiến thương mại.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 39 làng nghề và 4 làng nghề truyền thống thu hút trên 2.500 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động thường xuyên, 6.000 lao động thời vụ. Trong đó có những làng nghề và nghề rất nổi tiếng như làng nghề dệt lanh thổ cẩm ở Lùng Tám, nghề rèn công cụ làm nông của một số làng nghề tại 4 huyện vùng cao .
Ông Trần Việt Thế- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang |
Thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống nhằm hỗ trợ người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể làm giàu ngay trên quê hương và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Qua thực tế hỗ trợ các địa phương trong tỉnh, ông nhận thấy Hà Giang gặp khó khăn gì trong phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề?
Khó khăn nhất vẫn là thị trường, mấu chốt phải giải quyết được đầu ra cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Trong khi đó sản phẩm của nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giá thành vẫn cao, mẫu mã chưa đa dạng và theo kịp nhu cầu tiêu dùng. Qua hơn 2 năm đại dịch các nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đang đứng trước vô vàn khó khăn cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các cơ chế chính sách.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã được triển khai trên địa bàn nhưng chưa sâu sát thường xuyên, kết quả thấp, chưa đạt chuyển biến rõ nét về sản xuất, kinh doanh của các nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Địa phương cũng chưa có quỹ phát triển ngành nghề truyền thống, việc tiếp cận vốn còn khó khăn. Đất đai dành cho phát triển nghề truyền thống còn chưa được quy hoạch cho phù hợp.
Hơn nữa, với điều kiện sản xuất sản xuất và tình hình thực tế của các huyện, xã việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề chưa sát với nhu cầu của người dân, thiếu nghệ nhân có tay nghề cao.
Cùng đó, công tác tìm kiếm thị trường chưa được đẩy mạnh, đầu ra cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề còn nhỏ hẹp.
Từ những khó khăn đã được nhìn nhận trong thực tế, theo ông nên có giải pháp như thế nào nhằm thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của địa phương phát triển hơn nữa?
Bài toán để phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề vẫn là vấn đề thị trường. Để giải được bài toán này cần có sự hợp sức của cả cơ quan quản lý Nhà nước và người sản xuất. Trong đó, Nhà nước tổ chức nghiên cứu thị trường, thông tin lại cho cơ sở để có kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kịp thời. Làm sao để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng chứ không phải sản xuất những gì mình có.
Dệt thổ cẩm Lùng Tám- nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Hà Giang |
Hiện tỉnh Hà Giang đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Trong đó, tỉnh hiện sử dụng vốn từ 3 chương trình mục tiêu: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lồng ghép các nguồn vốn khác cho triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất.
Bên cạnh đó, với một số hoạt động khác cần được triển khai động bộ, trọng tâm nhằm tạo nguồn lực đủ mạnh cho tiểu thủ công nghiệp phát triển. Cụ thể với đào tạo nhân lực, đây là khâu chúng ta cần quan tâm thực hiện, tổ chức đào tạo nghề nghề truyền thống cho người lao động, khuyến khích nghệ nhân có tay nghề cao kèm cặp bồi dưỡng cho lao động trẻ; tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm tại những tỉnh có nghề truyền thống phát triển để tìm cách áp dụng phù hợp cho địa phương.
Về chính sách về đất đai, cần có chính sách rà soát quỹ đất quy hoạch trong lĩnh vực phát triển tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống, miễn tiền thuê đất cho các cơ sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng trụ sở làm việc.
Về tài chính, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn đối ứng để hỗ trợ lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống; xã hội hoá đầu tư hạ tầng, hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi theo chương trình chính sách thuế ưu đãi cho cơ sở công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp mới trong thời gian đầu hoạt động