Theo báo cáo này, GDP quý II/2018 đạt 6,79%, tuy không cao bằng ba quý trước đó nhưng đây là mức tăng trưởng quý II cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của cả nền kinh tế với mức chỉ số sản xuất tăng cao (12,7%). Lạm phát quý II tiếp tục gia tăng trong bối cảnh giá thực phẩm phục hồi mạnh mẽ cùng với sự gia tăng liên tục của giá nhiên liệu. Trong khi đó, lạm phát lõi trở lại ổn định sau khi tăng mạnh vào tháng 2/2018 cho thấy Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng...
Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế lớn như hiện tại cũng đặt Việt Nam dưới nhiều rủi ro, thách thức. Một giải pháp khả thi là các doanh nghiệp cần tập trung hơn vào thị trường nội địa với sức mua ngày càng lớn. Bên cạnh đó, thị trường thế giới vẫn là cơ hội lớn nhất để sản phẩm của Việt Nam phát triển trong dài hạn nhờ lợi thế quy mô.
Với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý II, báo cáo của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% của năm 2018 là khả thi. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của quý III là 6,65%, quý IV (6,55%), cả năm 2018 ở mức 6,8%. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, để mức lạm phát dưới 4% cần sự nỗ lực hết sức của các cấp, ngành, đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay, nguồn thu của nền kinh tế có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng khoản thuế tiêu dùng nào (giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt…) theo các chuyên gia cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả cho ngành thuế nhưng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu. Thay vào đó, Chính phủ nên tính tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản. Ngoài ra, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và có những giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người đóng thuế.