Tăng thuế thuốc lá: Kéo giảm sức mua, phòng ngừa bệnh tật
Khoảng 108.000 tỷ đồng điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới(WHO), mỗi năm thế giới có 8 triệu ca tử vong do thuốc lá, cùng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó, 64% số tử vong là nữ; 165.000 ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam, thuốc lá là nguyên nhân khiến hơn 40.000 người tử vong mỗi năm. Tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.
BS Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia của WHO tại Việt Nam. Ảnh: Chí Tâm |
BS Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia của WHO tại Việt Nam - cho biết, trong thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, có khoảng 69 chất gây ung thư. Nếu hút thuốc trong thời gian dài sẽ gây ra rất nhiều loại bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Trong đó, gây nên các bệnh về ung thư như ung thư họng, ung thư hầu họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tụy, ung thư đại tràng, ung thư bàng quang… Ngoài ra, hút thuốc cũng gây ra các bệnh mạn tính như: đột quỵ, viêm phổi, xơ vữa mạch ngoại vi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, tác hại tới sức khỏe sinh sản, sinh dục…
Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới trong khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới trong những năm qua đã giảm đáng kể.
Sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới khiến gia tăng người mới bắt đầu sử dụng thuốc lá. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc đạt mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá xuống 36%.
Để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra. Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%.
Đồng thời yêu cầu: "Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO" và giao Bộ Tài chính "Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình tăng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá của Chiến lược".
Tăng thuế là giải pháp hữu hiệu nhất
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, ban soạn thảo đề nghị tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế. Cụ thể, mặt hàng thuốc lá sẽ giữ nguyên thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án.
Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030.
Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
TS. Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: Chí Tâm |
Đánh giá về đề xuất tăng thuế với thuốc lá của Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc Tổng hội Y học Việt Nam đánh giá dự thảo về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá có những điểm rất tiến bộ.
Trong đó, vừa đánh thuế tương đối trên cơ sở giá bán của nhà sản xuất (thuốc lá sản xuất trong nước) hoặc nhà nhập khẩu (thuốc nhập khẩu) là 75%. Cùng với đó, áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mỗi bao thuốc lên đến 10.000 đồng đến năm 2030.
Theo ông Quang, Bộ Y tế đề xuất mức thuế này là 15.000 đồng. Có như vậy mới đạt được mục tiêu đến năm 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %.
"Tăng thuế vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu kép để giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giúp tăng thu ngân sách", ông Quang nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng phân tích, với những căn cứ khoa học, xã hội, chúng ta cần đánh giá sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, xem đâu là lợi ích của Nhà nước, đâu là lợi ích của xã hội, đâu là lợi ích của doanh nghiệp.
"Giữa lợi ích kinh tế và lợi ích sức khỏe, chúng ta đặt trọng tâm vào lợi ích sức khỏe hay kinh tế? Nếu với tầm nhìn Nhà nước là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, chúng ta phải phát triển song song các lợi ích này. Nhưng chính sách về mặt an sinh xã hội, lấy con người làm trung tâm thì sức khỏe người dân vẫn phải đặt lên hàng đầu", ông chia sẻ.
Đồng quan điểm, ThS Lê Thị Thu - Chuyên gia của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam cho rằng, đánh thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất trong gói chính sách của Tổ chức Y tế thế giới.
Cụ thể, giá thuốc lá tăng 10% sẽ giảm tiêu thụ khoảng 4% ở các nước thu nhập cao, 5% ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình, theo đó khoảng một nửa hiệu quả là giảm lượng thuốc hút và một nửa kia là bỏ/không bắt đầu hút thuốc. Thậm chí, hiệu quả lâu dài có thể lớn hơn. Đặc biệt, thanh niên và người nghèo là đối tượng đáp ứng tốt nhất đối với chính sách thay đổi về giá (ước tính giá tăng 10% giảm tiêu thụ 10%).
Trên cơ sở đó, bà Thu khuyến nghị cần chú trọng giải pháp tăng thuế thuốc lá theo hướng áp thuế hỗn hợp, trong đó mức thuế tăng để đạt khuyến cáo 75% giá bán lẻ và tăng thường xuyên để theo kịp với mức tăng lạm phát và tăng thu nhập.
Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vào năm 1999 với mức thuế 45%; trong giai đoạn 2006 - 2007 là 55%. Từ năm 2008 - 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: Năm 2008, tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; năm 2016, tăng từ 65% lên 70% và năm 2019 (tiếp sau 3 năm), tăng từ 70% lên 75%. TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO - cho rằng, trên thế giới, khoảng 60 quốc gia, với tổng dân số hơn 1,6 tỷ người, hiện đang áp thuế từ 70% trở lên trong giá bán lẻ, phù hợp hoặc rất gần với thông lệ tốt nhất được WHO khuyến nghị là thuế chiếm ít nhất 75% giá bán lẻ. Việc tăng thuế thuốc lá đang ngày càng được sử dụng trên toàn thế giới để ngăn ngừa bệnh tật và cải thiện sức khỏe, đồng thời tạo thêm nguồn thu ngân sách để dành cho các ưu tiên của các chính phủ. |