Tăng phí dịch vụ môi trường rừng từ thủy điện
Cần tạo thêm động lực khuyến khích bà con tham gia bảo vệ rừng |
Lợi ích từ dịch vụ môi trường rừng
Nậm Nhùn là huyện biên giới, miền núi của tỉnh Lai Châu - nơi sinh sống của 11 dân tộc anh em nhưng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Diện tích tự nhiên lớn nhưng địa hình núi và rừng chiếm tới trên 90%, diện tích thâm canh lúa nước đạt thấp do đó tỷ lệ hộ đói nghèo trung bình còn cao gần 40%, thậm chí có những xã trên 50%.
Theo ông Nguyễn Trọng Lịch - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Lai Châu - sau hơn 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, các vụ cháy rừng, vi phạm về Luật Bảo vệ và phát triển rừng giảm rõ rệt; độ che phủ rừng tăng từ 41% năm 2011 đến 45,4% năm 2015. Nhiều nơi như xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, bà con yêu cầu không nhận gạo cứu đói giáp hạt vì đã có tiền dịch vụ môi trường rừng. Hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của huyện Mường Tè nhờ có rừng mà nguồn thu ổn định, với mức bình quân 21 triệu đồng/hộ/năm.
Bà Lù Thị Sen - Bí thư Đảng ủy xã Mường Mô (Nậm Nhùn - Lai Châu) cho biết, ngoài các nguồn thu nhập khác, mỗi hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng trong xã còn có thêm nguồn tiền 8 triệu đồng/năm từ DVMTR nên đã góp phần tăng thu nhập và tạo động lực cho bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 của xã là 43,8% đến nay đã giảm còn 23%.
Có thể nói, chính sách chi trả DVMTR, giao đất giao rừng cho người dân hiện nay đang là một trong những động lực thúc đẩy người dân sống bằng nghề rừng, yên tâm với công việc và đồng thời cũng mở ra cơ hội cho đồng bào thúc đẩy nghề lâm nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Ðộng lực thúc đẩy công tác bảo vệ rừng
Với đa số đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó với rừng sẽ càng vui hơn khi biết mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 1472016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2010/NĐ-CP (năm 2010) về chính sách chi trả DVMTR. Trong đó có việc nâng mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất thủy điện từ 20 đồng lên 36 đồng/1 kWh điện thương phẩm.
Nghị định cũng quy định các đối tượng được chi trả tiền DVMTR, ngoài các tổ chức được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng còn có các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng, cho thuê hoặc tự đầu tư trồng rừng.
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 5 năm qua, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, số tiền chi trả cho chủ rừng và các tổ chức không phải chủ rừng là 4.549,620 tỷ đồng, đã có hơn 500.000 hộ dân sống trong và gần rừng nhận được tiền chi trả DVMTR, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập... Tuy vậy, thời điểm hiện nay, số tiền chi trả DVMTR chưa đáp ứng được giá trị sức lao động và nhu cầu tối thiểu...
Chính vì vậy, quyết định tăng phí DVMTR là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhất là những biến động giá. Theo quy định cũ, mức phí 20 đồng/1kWh điện không phản ánh đảm bảo thu nhập và không tạo động lực khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Thống kê của ngành điện cho thấy, sản lượng điện từ thủy điện hiện nay chiếm khoảng 35,35%. Theo đó, số tiền DVMTR đóng góp cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng có thể đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có cơ chế quản lý, sử dụng, giám sát nguồn quỹ sao cho hiệu quả. Đặc biệt, cần được xem xét nghiêm túc nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, giữ và cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện cũng như sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.