Tăng không gian cây xanh để tăng sức chống chịu với biến đổi khí hậu cho đô thị ven biển
Các đô thị ven biển miền Trung đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Nhìn từ bài học ngập lụt tại thành phố Đà Nẵng vừa qua, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng, và dư địa đô thị hóa của các địa phương, đô thị ven biển miền Trung còn lớn, nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng các địa phương, đô thị ven biển miền Trung đang đứng trước nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng thời tiết cực đoan, mưa lớn.
Bản đồ nguy cơ ngập úng với mực nước biển dâng 100cm tại thành phố Đà Nẵng. Nguồn: Đề án Quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Theo TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, tương lai, thành phố Đà Nẵng sẽ còn phát triển mạnh, đồng nghĩa với việc tăng bê tông hóa đô thị hơn, xây dựng nhiều nhà cao tầng hơn. Trong đó, trong quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cũng khuyến khích phát triển về phía đồi núi. Tình trạng bê tông hóa đồi núi, sẽ tạo nguy cơ nước mưa đổ nhanh hơn từ vùng cao xuống khu thấp. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, sắp tới Đà Nẵng sẽ có nguy cơ ngập nặng hơn rất nhiều.
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định, thực trạng chung hiện nay đối với khu vực ven biển đó là quy hoạch xây dựng và công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển; nhiều dự án tập trung ven biển dẫn đến thiếu không gian, cự ly cần thiết để tạo không gian công cộng dành cho cộng đồng. Hệ thống cây xanh chống gió cát và bảo vệ đô thị trước gió bão bị đốn hạ nhường chỗ cho các công trình dịch vụ nhỏ, lẻ, làm hạn chế khả năng “chống chịu” của đô thị trước gió bão. Quỹ đất cho phát triển không gian công cộng và hạ tầng đô thị bị hạn chế, làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gây úng ngập cho đô thị trong trường hợp xảy ra mưa với cường độ lớn và làm gia tăng nguy cơ xói lở đường bờ dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Với xu hướng phát triển như hiện nay, các thành phố và thị trấn ven biển đang phải đối mặt với những thách thức phát triển cân bằng. Cùng với đó là những biến động về điều kiện tự nhiên và môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, lũ lụt... cũng đang là những thách thức lớn mà các đô thị ven biển phải đối mặt.
Mặc dù được đánh giá là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhưng các giải pháp ứng phó của nước ta vẫn chưa đồng bộ và hiệu quả.
Thành phố Đà Nẵng và các đô thị ven biển miền Trung cần dành không gian cho cây xanh và không gian nước. Không gian nước trong khu đô thị có thể xây dựng hồ điều tiết ở trên. Còn nếu không xây hồ điều tiết trên thì phải xây dựng hồ điều tiết ngầm. Đây là trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư. Vấn đề ở đây là câu chuyện quản lý đô thị phải quản lý, điều hành như thế nào để có sự phối hợp nhịp nhàng. |
Xây đô thị cao tầng bao nhiêu tăng tương ứng không gian xanh, không gian công cộng bấy nhiêu
Ông Sơn cho rằng tại thành phố Đà Nẵng, hiện tại, nhìn trên cao xuống, đất đều “đã có chủ”, đã có quy hoạch và thành phố đã giao đất, nhưng rất nhiều nhà đầu tư chưa xây dựng. Đây vừa là thư thách, vừa là cơ hội.
“Hiện giờ mật độ xây dựng của Đà Nẵng chưa cao. Nhưng sau này khi xây cao tầng lên thì đừng nên tham lợi, mà phải dành ít nhất 30 - 40% diện tích đất cho không gian xanh, công viên. Ngay cả khu vực đường đi bộ cũng không nên bê tông hóa hết mà nên chọn giải pháp vật liệu hút thấm phù hợp, để nước thẩm thấu xuống dưới”, ông Sơn đề xuất và nhấn mạnh “Đà Nẵng vẫn còn cơ hội để thay đổi. Đất dự án nhìn có vẻ như đã kín hết nhưng đa số trong đó vẫn là nhà thấp tầng, sau này khi chỉnh trang phát triển cao tầng hơn, thì phải đưa đồng thời kế hoạch xây dựng công viên, hồ điều tiết vào”.
Theo TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn, tương lai, đô thị hóa thành phố Đà Nẵng vẫn có thể tăng gấp hàng chục lần so với hiện tại, nhưng phải lưu ý cũng phải tăng tương ứng không gian xanh lên hàng chục lần. “Phát triển chiều cao đô thị thì phải đi kèm với việc tăng diện tích công viên dưới đất. Đó là bài toán về cân đối trong mặt quy hoạch bền vững”, ông Sơn nói.
Các đô thị ven biển miền Trung, trong đó có thành phố Đà Nẵng phải tăng không gian xanh, không gian công cộng để tăng sức chống chịu với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan (gồm mưa lớn). Ảnh: Một góc công viên 29/3 Đà Nẵng |
Để làm được điều này, ông gợi ý rằng chính quyền thành phố Đà Nẵng phải có chính sách kiểm soát và chế tài trong quá trình cấp phép và quản lý việc xây dựng các dự án.
Cụ thể, khi cấp phép xây dựng dự án cao tầng thì phải ràng buộc với các cam kết của chủ đầu tư, đề nghị nhà đầu tư khi bán dự án đến đâu thì phải làm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng không gian xanh mặt đất đến đó, theo một tỷ lệ tương xứng. Ví dụ, trong một dự án 9.000 căn hộ, khi chủ đầu tư muốn bán 3.000 căn hộ thì phải xây dựng hoàn thiện xong hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bao gồm diện tích không gian xanh, tương ứng cho nhu cầu sử dụng của 3.000 căn hộ. Thành phố Đà Nẵng không nên cho phép việc xây và bán xong 3.000 căn hộ đợt đầu, mà hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và không gian xanh cho người dân vẫn chưa làm. “Phải “ràng buộc” chủ đầu tư ở mỗi giai đoạn khi mở bán sản phẩm (căn hộ, nhà ở) thì hạ tầng không gian xanh, hạ tầng kỹ thuật, trường học, bệnh viện, trạm xá… phải đi song hành với không gian ở. Đây là một điều rất quan trọng”, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn lưu ý.
Trong khi ở một số nơi như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn “lỏng lẻo” trong vấn đề này, thì thành phố Đà Nẵng có thể đi đầu làm gương trong việc quản lý phát triển bền vững, ràng buộc nhà đầu tư, để chính những người mua dự án được thụ hưởng khi vào ở có sẵn hạ tầng không gian xanh, hạ tầng xã hội thiết yếu; vừa giúp bổ sung không gian xanh, mảng giữ nước cho phát triển bền vững. “Làm như thế khả thi và hợp lý hơn. Nếu để nhà đầu tư “mắc nợ” việc làm không gian xanh, thì sau khi nhà đầu tư bán hết sản phẩm, đa phần họ sẽ không tiếp tục làm không gian xanh, không làm hạ tầng xã hội, lúc đó hệ lụy tất yếu, là thành phố sẽ buộc phải bỏ ngân sách ra làm”
TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh “Hiện giờ Đà Nẵng đang rất thiếu không gian xanh, đặc biệt là thiếu không gian cho nước. Đây là thử thách lớn cho việc quản lý đô thị hiện nay. Phải chuẩn bị tốt, quy hoạch tốt thì mới có thể đảm bảo đô thị tương lai không ngập”.
Ở góc độ quản lý vĩ mô, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, để ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần thiết phải có sự điều chỉnh các văn bản pháp luật, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực ven biển. Bên cạnh đó, cần phân loại dự án ưu tiên đầu tư xây dựng và có giải pháp cụ thể đối với từng nhóm dự án nhằm đảm bảo việc đầu tư xây dựng có hiệu quả, tránh lãng phí đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Xây dựng kịch bản nước biển dâng để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng xây dựng nếu cần thiết.
Đối với các địa phương ven biển, KTS. Trần Ngọc Chính khuyến nghị cần kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của các dự án đầu tư tại khu vực ven biển với quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; rà soát tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất đảm bảo lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn; khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng. Tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ dân cư và khách du lịch, công trình hạ tầng kỹ thuật, khu vực bảo tồn, phòng hộ,...
Điều chỉnh quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Hiện tại, có rất ít không gian xanh nằm trong khu vực đô thị. Những không gian xanh đô thị này hầu hết nằm dọc theo sông Hàn. Thiếu không gian xanh trong các khu vực phát triển để góp phần vào cuộc sống của thành phố và các khu dân cư. Nguyên nhân được cho là diện tích đất hạn chế cho không gian xanh do áp lực đô thị hóa. Định hướng đến năm 2030, không gian xanh sử dụng công cộng cấp đô thị tại thành phố Đà Nẵng là 1.394 ha. Tổng cộng có 1.476 ha đất đã được khoanh vùng thành khu vực cây xanh cách ly (khu đệm cho các cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu vực mặt nước…). Có 429 ha diện tích không gian xanh dành riêng cho vườn ươm thực vật, vườn bách thảo và các công viên chủ đề. Ngoài ra, tổng diện tích các loại đất rừng ở Đà Nẵng vào khoảng 56.334 ha. |