Tăng cường quản lý để khai thác hiệu quả
Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng nhiều |
Thị trường trọng điểm
Thống kê mới nhất của Tổng cục Du lịch, quý I/2017, khách du lịch Trung Quốc tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016, đạt gần 950.000 lượt, chiếm 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, mức tăng trưởng này do khách Trung Quốc rất hứng thú khi sang du lịch Việt Nam, và Việt Nam xác định thị trường khách Trung Quốc luôn là trọng điểm số một; mặt khác công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng trưởng “nóng”, chiếm tỷ lệ quá lớn trong cơ cấu khách, không bền vững. Về ý kiến này, theo phân tích của Tổng cục Du lịch, tỷ lệ và tốc độ tăng trưởng khách du lịch Trung Quốc trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không cao so với một số nước trong khu vực.
Còn về ý kiến cho rằng, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chủ yếu đi theo đường bộ, theo hình thức “tour 0 đồng” không đem lại nhiều giá trị kinh tế cho đất nước. Theo Tổng cục Thống kê, khách du lịch đường bộ đến Việt Nam trong quý I (bao gồm cả khách Trung Quốc, Lào và Campuchia) chỉ tăng 7,6%, đạt 467.000 lượt, trong đó khách du lịch đi đường bộ từ Campuchia vào Việt Nam chiếm tỷ trọng cao. Vì vậy, khách du lịch Trung Quốc chủ yếu đến Việt Nam bằng đường hàng không qua các cảng hàng không quốc tế. Khách du lịch Trung Quốc đi đường bộ chủ yếu tập trung ở một số tỉnh biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.
Cần biện pháp quản lý phù hợp
Trước thực trạng khai thác, phục vụ và quản lý thị trường khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam có nhiều bất cập thời gian qua, ông Ngô Hoài Chung cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Mặt khác, ở góc độ tăng cường hội nhập quốc tế, năm 2017 được lãnh đạo các nước Aseanvà Trung Quốc xác định là năm Hợp tác du lịch Asean - Trung Quốc. Các nước Asean đều xác định Trung Quốc là thị trường quan trọng, có tiềm năng lớn; tuy nhiên đều thống nhất cần có sự trao đổi để giải quyết các vấn đề bất cập. Xuất phát từ quan điểm toàn diện, tổng thể để bảo vệ lợi ích quốc gia, du lịch Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các nước ASEAN để đề xuất một số biện pháp tăng cường công tác quản lý đối với thị trường khách du lịch Trung Quốc.
Cụ thể, đối với điểm đến, cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với khách du lịch quốc tế nói chung và khách du lịch Trung Quốc nói riêng, trong đó hướng dẫn khách du lịch được làm và không được làm. Còn đối với các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, cơ quan quản lý điểm đến cần tích cực làm việc với các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc gửi khách đến, các cơ sở dịch vụ đón khách Trung Quốc để trao đổi, cùng hợp tác tìm hướng giải quyết thỏa đáng cho các bên.
Riêng đối với các cơ sở mua sắm, cần xử lý nghiêm các cơ sở không cho người địa phương vào mua hàng, yêu cầu niêm yết giá công khai; tăng cường công tác quản lý thị trường, áp dụng các biện pháp chống thất thu thuế. Các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, xác định rõ đối tượng khách và điểm đến ưu tiên phục vụ khách du lịch Trung Quốc, sức chứa và khả năng phục vụ để có kế hoạch phát triển sản phẩm và thị trường phù hợp.
Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường vai trò quản lý các doanh nghiệp để bảo đảm được chất lượng, dịch vụ; du khách quốc tế đến Việt Nam không bị phân biệt đối xử, cũng như bảo đảm được chất lượng, hình ảnh và uy tín của ngành du lịch. |