Thứ hai 28/04/2025 22:23

Tài sản số, tín chỉ carbon: 'Mảnh ghép' mới cho tài sản bảo đảm?

Nếu Việt Nam kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý, tài sản số và tín chỉ carbon hoàn toàn có thể trở thành nguồn tài sản bảo đảm mới cho hệ thống ngân hàng.

Đó là những khẳng định mà các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia quốc tế và trong nước, đại diện các tổ chức tài chính nêu ra tại hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 28/4, tại Hà Nội.

Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức. Ảnh: Hoàng Giáp

Những “ẩn số” mới trong tài sản bảo đảm

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đáng chú ý, các chính sách như Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 về Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025; hay Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đã phần nào vạch rõ hướng đi cho hệ sinh thái tài sản số và tín chỉ carbon.

Theo đó, ngành ngân hàng cũng đang tích cực vào cuộc. Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất xây dựng khung pháp lý nhằm quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số. Những nỗ lực này không chỉ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, mà còn đảm bảo môi trường đầu tư an toàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, một bài toán mới đang đặt ra là liệu tài sản số và tín chỉ carbon, những loại tài sản vốn còn mới mẻ ở Việt Nam có thể và sẽ được chấp nhận như thế nào với vai trò tài sản bảo đảm cho khoản vay tại các tổ chức tín dụng?

Tại hội thảo, nhấn mạnh tầm quan trọng của tài sản bảo đảm trong hoạt động ngân hàng, bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng - cho rằng, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, các loại tài sản mới như tài sản số đang dần hiện diện rõ nét. Đây là những giá trị có thể định lượng được và hoàn toàn có thể đưa ra làm tài sản bảo đảm cho khoản vay. Tương tự, tín chỉ carbon, một sản phẩm gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững cũng đang trở thành một loại tài sản tiềm năng.

Từ đó, bà Thúy Sen kỳ vọng hội thảo sẽ là diễn đàn thảo luận sâu rộng về khung pháp lý, rủi ro, cách thức triển khai nếu xác định tài sản bảo đảm là tài sản số hoặc tín chỉ carbon, trên cơ sở đối chiếu thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế.

Bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Giáp

Tiềm năng nhưng chưa dễ dàng

Nhìn từ góc độ chuyên gia pháp lý, TS. Lê Thị Giang đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, tài sản số có thể hiểu là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối. Khác với tài sản truyền thống, tài sản số không cần hình thức vật lý, tồn tại trên blockchain, điện toán đám mây hoặc cơ sở dữ liệu; có khả năng chia nhỏ, lập trình, giao dịch toàn cầu và chống làm giả. “Tài sản số chính là động lực tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên số hóa”, bà Giang nhấn mạnh.

Hiện tại, khung pháp lý dành cho tài sản số ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số bước đầu đã xác lập khái niệm tài sản số và quyền sở hữu đối với loại tài sản này, mở đường cho khả năng giao dịch và bảo đảm trong tương lai. Tuy nhiên, hành lang pháp lý đầy đủ và thống nhất vẫn còn là khoảng trống cần lấp đầy.

Về tín chỉ carbon, bà Giang cho biết, đây là loại tài sản phản ánh quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc lượng khí nhà kính tương đương, được tạo ra từ các dự án giảm phát thải như trồng rừng, sử dụng năng lượng tái tạo hoặc đổi mới công nghệ. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã xác định tín chỉ carbon có thể giao dịch. Trên thực tế, tín chỉ carbon đang ngày càng trở thành công cụ tài chính quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, một điểm nghẽn lớn hiện nay là chưa có quy định pháp luật nào xác nhận rõ ràng tín chỉ carbon hoặc tài sản số có thể được coi là tài sản bảo đảm trong các giao dịch tín dụng. Các ngân hàng, với yêu cầu bảo toàn vốn và phòng ngừa rủi ro chặt chẽ, sẽ khó chấp nhận những loại tài sản chưa có hành lang pháp lý đầy đủ.

Mặc dù vậy, bà Giang cũng chỉ ra rằng, pháp luật hiện hành đã mở ra những cánh cửa ban đầu. Cụ thể, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Dân sự đã quy định tài sản bảo đảm bao gồm cả tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai, miễn là không thuộc diện cấm mua bán, chuyển nhượng, chuyển giao. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng không cấm giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, về mặt lý thuyết, việc nhận tài sản bảo đảm là tín chỉ carbon hoàn toàn có thể khả thi.

Tuy nhiên, bà Giang thẳng thắn nhìn nhận, thách thức lớn nhất đối với ngân hàng chính là kỹ năng định giá, kiểm soát và xử lý các loại tài sản phi truyền thống này. Nếu như với đất đai, nhà ở, ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm và công cụ hỗ trợ nghiệp vụ, thì với tín chỉ carbon, tài sản số vẫn còn quá mới mẻ.

“Trước hết, cần xác lập rõ địa vị pháp lý của tài sản số và tín chỉ carbon, coi đây là loại hình tài sản trong Bộ luật Dân sự. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để hai loại tài sản này có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính”, bà Giang khuyến nghị.

Từ kinh nghiệm quốc tế, TS. Vũ Thị Vân Anh - Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG, Công ty TNHH Thuế và tư vấn KPMG Việt Nam - chia sẻ, tại Thái Lan, tín chỉ carbon đã có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay, đặc biệt trong các dự án đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu. Hay tại châu Âu, một số quốc gia như Pháp đã phân loại EUA (Chứng chỉ phát thải của Liên minh châu Âu) là tài sản vô hình có thể chuyển nhượng và dùng làm tài sản bảo đảm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã có những bước đi nhằm hạn chế tài sản phát thải cao được sử dụng làm tài sản bảo đảm, thể hiện xu hướng gắn tài chính với tiêu chí xanh.

Những kinh nghiệm này cho thấy, nếu Việt Nam kịp thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và xây dựng quy trình nghiệp vụ phù hợp, việc sử dụng tài sản số, tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm ngân hàng là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Đó sẽ là bước tiến quan trọng không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà còn đối với cả nền kinh tế Việt Nam trên hành trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Tài sản bảo đảm là tài sản mà cá nhân hoặc tổ chức dùng để đảm bảo cho nghĩa vụ tài chính hoặc khoản vay của mình đối với ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng. Đây có thể là tài sản hữu hình như: Nhà cửa, xe cộ, tài sản vô hình như quyền sử dụng đất, hoặc tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu... Tài sản bảo đảm giúp ngân hàng giảm rủi ro trong trường hợp người vay không thể trả nợ đúng hạn.
Hoàng Lan
Bài viết cùng chủ đề: Tài sản số

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam trước ‘ngã rẽ’ tài sản số, tín chỉ carbon

Tăng tín dụng của nhiều ngân hàng cao hơn toàn hệ thống

Ba trường hợp sẽ bị tạm dừng lương hưu từ 1/7/2025

SeABank tăng 173 bậc trong bảng xếp hạng FAST500

VIB: Lợi nhuận quý 1/2025 đạt hơn 2.400 tỷ đồng, CASA tăng 17%, thực hiện chia cổ tức 21%

Hải quan thành lập tổ kiểm tra công vụ đột xuất

Rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu

Đại hội cổ đông 2025: LPBank xác định tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên số

TPBank – Uy tín vững chắc như 'vàng ròng' giữa biến động thị trường

Vì sao SHB ghi nhận tăng trưởng nhanh nhất về mức độ hài lòng của khách hàng?

Agribank trao giải chương trình tiết kiệm dự thưởng 'Xuân tích lũy - Quỹ đong đầy'

VietinBank Securities thăng hạng trong Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Agribank – Điểm tựa vững vàng cho kinh tế tư nhân bứt phá

ĐHĐCĐ Vietcombank 2025 sẽ phát hành hơn 543 triệu cổ phiếu riêng lẻ, kiện toàn nhân sự cấp cao

Cổ tức nghìn tỷ, lợi nhuận kỷ lục - nhưng Techcombank chưa dừng lại!

MB lập ngân hàng con tại Lào, mở rộng ra châu Á

Bảo hiểm PVI đặt mục tiêu doanh thu tỷ USD năm 2025

SeABank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông 2025

Sau 9 năm, Sacombank chia cổ tức cho cổ đông

Thị trường nội địa: 'Bệ đỡ' cho mục tiêu tăng trưởng 8%