Tái canh cây cà phê: Nâng cao hiệu quả xuất khẩu
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết tái canh cà phê Tây nguyên
- Đại diện VICOFA cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 622.168 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Tuy nhiên diện tích cà phê già cỗi trên 20-25 tuổi đạt khoảng 86.000 ha, chiếm 17,3% tổng diện tích, ngoài ra còn có khoảng 40.000 ha cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, hiệu quả thấp. Vì vậy, diện tích cà phê cần trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 đến 10 năm tới ước khoảng từ 140.000 đến 160.000 ha.
Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký VICOFA cho biết, mặc dù đã triển khai từ 2012, nhưng đến nay diện tích tái canh đạt rất thấp. Đơn cử như Tổng công ty Cà phê Việt Nam, đơn vị chủ lực trong chương trình tái canh, mới thực hiện được khoảng 2.000 ha, trong đó Đắk Lắk 700 ha, Gia Lai 650 ha, Kon Tum 350 ha, Đắk Nông và các nơi khác khoảng 300 ha.
Để hỗ trợ vốn cho chương trình tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2013 - 2015, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông qua gói tín dụng 8.000 đến 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến một số đại biểu, số lượng giải ngân nguồn vốn vay trên còn hạn chế do lãi suất cho vay còn cao, trong khi đó yêu cầu tái canh cà phê người dân phải thanh lý vườn cây trong 2 năm.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp họi VICOFA phát biểu
Ông Nguyễn Đức Luyện – Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Nông chia sẻ về tái canh ở địa phương
Theo ông Lê Ngọc Bá - Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Bộ NN&PTNN đã có bộ quy trình kỹ thuật tái canh và chăm sóc cà phê mang lại hiệu quả cao, đồng thời cũng có loại giống tốt nhất thế giới, với giá rẻ, đủ khả năng đáp ứng cho toàn bộ diện tích cần tái canh.
Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến cho rằng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn để tái canh. Với mức lãi suất cao từ 9% sẽ khó có doanh nghiệp, hộ gia đình. Đặc biệt quy trình tái canh phải mất tới 6 năm, trong khi ác thủ tục, quy định của ngân hàng cũng gây nhiều khó khăn cho người dân doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Thăm vườn Cà phê tái canh thành công
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Luyện- Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Nông- cho rằng, tái canh cà phê rất quan trọng, cần thiết và cấp bách để đảm bảo số lượng, chất lượng cà phê trong những năm tới, tuy nhiên đây thực sự là vấn đề khó. Vì nó liên quan đến người dân là chủ yếu (chiếm tới 99%). Do đó cần có quy hoạch chi tiết của quốc gia đến địa phương và có những chính sách hỗ trợ cụ thể từ giống, vốn, quy trình kỹ thuật, các giải pháp, mô hình quản lý, kiểm soát...dựa trên những nghiên cứu tình hình thực tế tại địa phương.
Kết luận hội nghị, ông Lương Văn Tự- Chủ tịch VICOFA- đã nêu thêm những bài học kinh nghiệm liên quan đến tái canh của một số nước xuất khẩu cà phê trên thế giới. Đồng thời sẽ tổng hợp các ý kiến của địa phương liên quan đến vấn đề về quy hoạch, các giải pháp hỗ trợ vốn, giống, quy trình kỹ thuật... để có ý kiến với Chính phủ, các cơ quan bộ ngành liên quan nhằm đưa ra được các chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp và người dân trồng cà phê.
Đình Dũng