Thứ hai 23/12/2024 03:22

Sức bật tăng trưởng từ các FTA

17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và đang đàm phán được ví như những con đường cao tốc nối Việt Nam với các thị trường lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong năm 2020

Năm 2020, dịch COVID-19 khiến nền kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp vươn lên, tìm đúng hướng đi và không ngừng phát triển.

Công ty TNHH một thành viên 76 (Công ty 76 - Bộ Quốc Phòng), một doanh nghiệp sản xuất nhựa và dệt may, là đối tác chiến lược và nhà cung cấp hàng đầu tại khu vực Châu Á-Thái Bình dương của Tập đoàn IKEA-Thụy Điển. Công ty cũng hợp tác với tập đoàn Decathlon, một trong những tập đoàn lớn về dụng cụ thể thao của Pháp, trong việc cung cấp các sản phẩm thể thao, du lịch. Năm 2020, công ty đã chủ động chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang và thiết bị phòng dịch, nhờ đó vẫn tăng trưởng 10% so với năm 2019.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty 76 cho biết: “Chúng tôi đã chủ động tìm hiểu ngay từ khi có thông tin của các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Khi các Hiệp định được ký kết, nhóm sản phẩm của công ty xuất khẩu sang Châu Âu được giảm thuế từ 12% xuống còn 5%, khách hàng cũ thì đặt lượng tăng lên và có đơn hàng của khách hàng mới. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt thì tôi tin tưởng, sang năm 2021 mức tăng trưởng công ty sẽ cao hơn nữa”.

Cũng chịu tác động của dịch COVID-19, năm 2020 các đơn hàng của Công ty Tập đoàn Gia Định giảm 20 - 30%, thậm chí tại Mỹ, lượng đơn hàng giảm tới 50%. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hướng, Phó Tổng giám đốc công ty, tình hình đang khởi sắc, các đơn hàng tăng trở lại, tính đến nay, công ty đã nhận đơn hàng đến hết tháng 2/2021.

“Những FTA mà Việt Nam đã ký kết đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ví dụ như khi xuất khẩu sang các nước châu Âu, chúng tôi được miễn, giảm thuế nên có giá cạnh tranh, thu hút khách hàng, số lượng đơn hàng cũng tăng đáng kể”, bà Trần Thị Hướng cho hay.

Đại diện công ty Gia Định chia sẻ: Công ty đang xây dựng nhà máy nguyên phụ liệu da, giày nhằm đáp ứng các yêu cầu quy tắc xuất xứ ở các thị trường khó tính. Năm 2021, dự tính hoạt động xuất khẩu sẽ tăng trưởng 20%.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, Việt Nam đã ký kết 14 FTA khu vực và song phương (trong đó đang thực thi 13 FTA), đã kết thúc đàm phán 1 và đang đàm phán 2 Hiệp định với các đối tác khác đưa quá trình hội nhập của Việt Nam đi vào thực chất và lan tỏa đến từng lĩnh vực của nền kinh tế cũng như đời sống doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam khi Hiệp định EVFTA được ký kết và có hiệu lực trong năm nay. Cùng với đó, Việt Nam đã cùng ASEAN và 5 đối tác quan trọng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP), và mới đây nhất, trong tháng cuối cùng của năm 2020, vào ngày 11/12/2020, Việt Nam ký biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).

“Hệ thống FTA đã ký kết và tham gia thực hiện cho thấy rõ vị thế và hình ảnh của Việt Nam đã thay đổi trong bản đồ thương mại cũng như chính trị quốc tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Năm 2020, do dịch COVID-19, phần lớn các quốc gia tăng trưởng âm trong xuất khẩu nhưng Việt Nam và một số nước lại tăng trưởng dương và thậm chí, Việt Nam tăng trưởng dương đáng kể 5,5 – 5,9%. Hàng loạt sản phẩm ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, nông sản… vẫn duy trì được tới 31 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD, 1 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 60 tỷ USD.

Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ 14 FTA để gia tăng năng lực xuất khẩu rất nhanh, thậm chí đã bắt đầu có những yếu tố bền vững và trở thành quốc gia xuất khẩu đứng thứ 22, quốc gia có tỷ trọng xuất nhập khẩu đứng hàng thứ 26 của thế giới. Các ngành hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, nông nghiệp... đã có cơ hội tái cơ cấu và hướng tới phát triển bền vững.

“Phải nói rằng các FTA mà Việt Nam ký kết như CPTPP, EVFTA cùng các FTA cũ chúng ta đã có là nền tảng quan trọng để vượt qua những tác động tiêu cực của COVID-19 và tình hình phức tạp của thế giới liên quan đến bảo hộ mậu dịch và các cạnh tranh, chiến tranh thương mại...”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.

Tạo sức bật tăng trưởng tương lai

Mặc dù dịch COVID-19 làm đứt chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng tín hiệu tích cực từ kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 267 tỷ USD, xuất siêu hơn 20 tỷ USD. Xuất khẩu đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế, là tiền đề quan trọng để nền kinh tế phục hồi bền vững bước vào năm 2021...

Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo xuất khẩu dệt may năm 2021 ở 3 mức: Kịch bản cao thì kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD, kịch bản trung bình là 38,3 tỷ USD, kịch bản thấp đạt 37 tỷ USD.

Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%, do đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua.

Đại diện Vinatex cho biết, 2021- 2023 sẽ là giai đoạn phục hồi quan trọng của thị trường dệt may toàn cầu. Sẽ có sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng, phương thức bán hàng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiế sự thay đổi trong ngành dệt may diễn ra nhanh hơn, do đó các doanh nghiệp cần tận dụng giai đoạn này để tái cấu trúc hệ thống quản lý, vận hành sản xuất phục hồi nhanh cùng thị trường, gia tăng tích lũy phục vụ cho đầu tư phát triển.

Nhiều doanh nghiệp dệt may sau khi chuyển hướng sang sản xuất mặt hàng phòng dịch đã có hiệu quả sản xuất, kinh doanh tốt. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Có thể thấy, mặc dù đối mặt với “cơn sóng dữ” COVID-19, nhưng dệt may Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, có tới gần một nửa nhãn hàng thời trang cho biết sẽ tăng mua từ Việt Nam sau COVID-19, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và một phần do các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa tham gia.

“Chúng ta sẽ vượt khó trong năm 2021, 2022, thậm chí 2023; đến cuối quý III/2023 nếu COVID-19 kiểm soát được thì sẽ về trạng thái bình thường của năm 2019. Các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, RCEP, CPTPP đang có kết cấu thị trường tương đối tốt”, ông Vũ Đức Giang cho hay.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết cho biết năm 2020, xuất khẩu hàng da dày có thể giảm 10% xuống khoảng 20 tỉ USD - tương đương mốc năm 2018. Mặc dù vậy, bà Xuân cho rằng đây là mức giảm nhẹ so với mức độ tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu.

Theo bà Xuân, Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021, dự báo xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 - 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt.

Ở góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ còn nhiều khó khan. Để tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thời gian tới cần thực hiện hướng dẫn phổ biến kiến thức pháp luật cụ thể cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thực thi cam kết hội nhập thông qua các nội luật hóa và văn bản hướng dẫn để kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục khai thác cơ hội thị trường để phát triển.

Bên cạnh đó là vấn đề phát triển bền vững trong đó có liên quan đến pháp luật và thể chế mà Việt Nam cần tiếp tục tổ chức thực thi và nghiên cứu thực hiện cả trong môi trường lao động, công đoàn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững...

“Với những cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết và những chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế, các chính sách về an sinh xã hội, cải cách và mở cửa cũng như nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật, yêu cầu nền tảng chuyển đổ số... thì tôi tin năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự phát triển thậm chí là tăng tốc của Việt Nam trong đó có cả khía cạnh hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Với Hiệp định CPTPP, dự kiến xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035. Hiệp định còn được kỳ vọng mang lại mức tăng trưởng bình quân 4-5% và mức tăng xuất khẩu từ 8,7-9,6% với các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động của nước ta. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Hiệp định cũng được kỳ vọng mang lại tác động tích cực tới đầu tư trực tiếp nước ngoài với các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng tác động tích cực tới ngân sách Nhà nước trong dài hạn.

Thu Trang - Báo baotintuc.vn xuất bản ngày 14/02/2021

baotintuc.vn

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương: Đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, phát huy truyền thống 70 năm vẻ vang

Ngành Công Thương Việt Nam- Mãnh liệt một niềm tin!

Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh gửi thư chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương

Bộ Công Thương hoãn tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống

Chủ động hạn chế rủi ro từ các vụ kiện phòng vệ thương mại

Petrolimex Thanh Hóa: Sáng ngời gương người tốt, việc tốt

Ngành Công Thương Tuyên Quang: Chung sức đưa địa phương hội nhập

Ngành Công Thương Bắc Ninh: Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao

Dấu ấn của lực lượng quản lý thị trường trên mặt trận chống buôn lậu

Cục Hóa chất: Hoàn thiện chính sách, góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa chất

Cục Quản lý thị trường Hòa Bình: Bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo: Tham mưu, quản lý năng lượng hiệu quả

Ngành Công Thương Cao Bằng: Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương

Ngành Công Thương Hòa Bình: Động lực phát triển kinh tế địa phương

EVNGENCO 3: Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương

Ngành Công Thương Hải Phòng: Khẳng định vị thế cực tăng trưởng vùng kinh tế động lực phía Bắc

Quản lý thị trường Lai Châu: Kiểm tra trọng tâm, trọng điểm

Giải Báo chí 70 năm ngành Công Thương: Tôn vinh các tác phẩm, nhóm tác phẩm và tập thể xuất sắc