Sửa Luật Thủ đô: Tạo "hệ sinh thái" thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của Thủ đô
Đối với Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được TP. Hà Nội xây dựng, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, đây là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới. Trong đó, phát triển văn hóa là 1 trong 9 nhóm chính sách trọng tâm được đề xuất sửa đổi, bổ sung với nhiều nội dung mới.
Liên quan nội dung này, chia sẻ tại hội thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cho rằng, để xứng tầm vị thế Thủ đô ngàn năm văn hiến, lĩnh vực văn hóa của Hà Nội cần có các quy định, cơ chế đặc thù, nổi bật, tập trung, tránh dàn trải, để Hà Nội thực sự là một trong những địa phương tiên phong trong xây dựng công nghiệp văn hóa. Nếu lĩnh vực văn hóa được Hà Nội thực hiện tốt, sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân cũng như tạo được tính lan tỏa cho các địa phương lân cận.
Dự án Luật Thủ đô sửa đổi sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV |
Đóng góp vào nội dung sửa đổi Luật Thủ đô, một trong những nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm và góp ý cụ thể tại Điều 46 của dự thảo. Theo đó, về ưu đãi đầu tư (Điều 46), Dự thảo Luật quy định đối tượng ưu đãi là dự án đầu tư trong một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa; nội dung ưu đãi chủ yếu là miễn tiền đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bàn về vấn đề này, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu quan điểm, cần rà soát quy định pháp luật chuyên ngành và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời làm rõ các chế độ ưu đãi, đối tượng ưu đãi để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị khoanh lại phạm vi để bảo đảm tính khả thi đồng thời làm rõ cơ chế để khai thác, thu lợi nhuận từ các ngành này.
Góp ý đối với Điều 23 của Dự thảo Luật, đại diện Cục Di sản văn hóa cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn di sản văn hóa hiện nay đã khá đầy đủ. Do vậy, việc giao UBND TP. Hà Nội quy định điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kiến trúc xây dựng; biện pháp bảo tồn, quản lý, khai thác sử dụng các công trình để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và bảo tồn, phát huy giá trị khu nội đô lịch sử cần theo hướng các nguyên tắc đặc thù để tránh trùng lặp.
Cùng với đó, hiện nay, Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa, vì vậy để đảm bảo thống nhất với Luật Di sản văn hóa, Dự thảo Luật nên xem xét điều chỉnh theo hướng chỉ giao cho tư nhân “quyền sử dụng bảo tàng” thay vì giao “quyền quản lý” bởi khối lượng di sản lưu trữ tại bảo tàng là rất lớn.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, một số nội dung cần phải nghiên cứu, làm rõ hơn nữa các quy định của Luật Thủ đô hay Luật Di sản văn hóa. Đặc biệt, về vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, Ban Soạn thảo cần thiết kế thành 1 điều riêng chứ không nằm rải rác trong Dự thảo Luật như hiện nay bởi đây là vấn đề lớn, cần xác định tính đặc thù như phát triển các khu công nghệ cao tại Hà Nội, có quy định, chính sách đặc thù riêng.
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội góp ý thêm: “Chúng tôi mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có những quy định về cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, “vượt trước” về văn hóa, để mục tiêu “kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô” có thể trở thành hiện thực”.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là không thể tách rời
Theo các chuyên gia, với vai trò là Thủ đô của cả nước, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là không thể tách rời, theo đó, việc có những chính sách, cơ chế đặc thù, cụ thể để các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội phát triển là hết sức cấp thiết hiện nay.
Chia sẻ thêm về cơ chế đặc thù cho phát triển công nghiệp văn hóa, Thạc sĩ Trần Dũng Hải (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết, Luật Thủ đô năm 2012 ngoài các quy định chung cũng đã có riêng Điều về bảo tồn và phát triển văn hóa. Tuy vậy, các quy định đa số mới chỉ dừng ở mức đưa ra các định hướng chính sách và thiếu vắng những quy định cụ thể khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tính đặc thù và vai trò quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Nhiều hội thảo về vấn đề góp ý sửa đổi Dự thảo Luật Thủ đô đã được tổ chức nhằm lấy ý kiến rộng rãi của người dân. Ảnh: VGP/GH |
Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngoài các quy định mang tính định hướng về phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng, dự thảo đã có các quy định đặc thù để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội như: "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa" là khu vực tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại với các điều kiện về an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút du lịch, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện đời sống dân cư, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống. Ngoài ra, đã có quy định về dự án đầu tư mới vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa được hưởng các ưu đãi; cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô.
Từ đó, theo Thạc sĩ Trần Dũng Hải, có thể sửa thuật ngữ "Khu thúc đẩy thương mại và văn hóa" thành "Khu thúc đẩy văn hóa và thương mại", lấy hoạt động văn hóa, bảo tồn các ngành nghề truyền thống làm nền tảng then chốt, hoạt động thương mại, dịch vụ là hoạt động bổ sung, sửa đổi này sẽ đáp ứng tốt cho nhu cầu của khách du lịch, khách tham quan, phục vụ phát triển hoạt động du lịch văn hóa, tránh tình trạng biến tướng, thương mại hóa các khu có tính chất đặc thù này trong thực tiễn triển khai sau này.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần nghiên cứu bổ sung các ngành công nghiệp văn hóa khác vào dự thảo như dự án đầu tư mới vào phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công, mỹ nghệ… nhằm tạo ra hệ thống các ngành công nghiệp văn hóa hỗ trợ nhau trong phát triển, tạo thành tổng thể hài hòa nền công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Theo quy định tại Quyết định số 805/QĐ-TTg ngày 6/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ thì Dự án Luật Thủ đô sẽ trình Chính phủ vào tháng 8/2023; đầu tháng 9/2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến và trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào tháng 10/2023. |