Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn: Thúc đẩy tương lai xanh Việt Nam |
Cơ hội bứt phá nhờ kinh tế tuần hoàn
Chia sẻ tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Nếu tất cả các quốc gia đều thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp giảm 40% lượng khí thải GHG toàn cầu vào năm 2050; có thể giảm khối lượng chất thải rắn (CTR) đô thị từ hơn 4,5 tỷ tấn một năm xuống còn dưới 2 tỷ tấn; giảm chất thải chôn lấp hơn 40% xuống còn khoảng 630.000 tấn vào năm 2050; đồng thời tạo ra 6 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo về phát triển kinh tế tuần hoàn; Chính phủ cũng đã giao các bộ, ngành xây dựng hoàn thiện khung khổ pháp lý, phê duyệt các đề án để triển khai trong đó nhấn mạnh vai trò của kinh tế tuần hoàn (KTTH). Theo đóm, phát triển KTTH nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việc đẩy mạnh KTTH sẽ tạo cơ hội và thuận lợi cho phát triển kinh tế bền vững theo hướng xanh như chuyển dịch của dòng vốn tài chính “xanh” ngày càng mạnh mẽ; nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng tạo động lực mới cho đổi mới cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ; nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và thực thi cam kết thương mại trong các FTA tạo áp lực chuyển đổi; giúp hình thành nhiều thị trường mới như hàng hóa/dịch vụ môi trường, nguyên vật liệu thứ cấp...
Thách thức kinh tế tuần hoàn
Với sự triển khai mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đã đạt được những kết quả cụ thể.
Đơn cử như mô hình khu công nghiệp sinh thái thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương như: Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng từ 2015 đến 2023 đã thu hút 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn; tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân; cắt giảm được 32 Kt tấn khí CO2/năm...
Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã hình thành được nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn tốt, vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa giảm phát thải, bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải giải quyết như: Cách tiếp cận có hệ thống trong quản trị/hoạt động kinh tế chưa được áp dụng hiệu quả; các lợi ích lâu dài, bền vững từ bảo vệ môi trường và KTTH chưa được chú trọng; thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế... chưa được quan tâm, hỗ trợ; vai trò của Chính phủ trong hỗ trợ phát triển, điều tiết thị trường và hành vi của chủ thể hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm... cần được tăng cường hơn.
Một số công cụ chính sách như đầu tư công, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường chưa được đồng bộ; chưa hình thành bộ máy, hệ thống thông tin, dữ liệu, cơ chế giám sát việc thực hiện KTTH; nguồn lực tài chính để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang KTTH được ước tính rất lớn.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận về kinh tế tuần hoàn ngày 10/12/2024 |
Sớm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH
Để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển KTTH, các đại biểu đều đồng thuận rằng, cần sớm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH để đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung chính sách cho giai đoạn tới.
Theo đó, TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng, cần thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội và quản lý chất thải của các ngành, lĩnh vực, vùng, miền và địa phương.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật, các chế tài xử lý để khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn; rà soát, sửa đổi, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Một số diễn giả khác cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư cho các ngành, sản phẩm ưu tiên như nông lâm nghiệp, năng lượng; khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; hóa chất; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, giao thông vận tải; du lịch, cộng sinh công nghiệp, đô thị...
Đồng thời tăng cường các nhiệm vụ truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường quản lý chất thải để thực hiện kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn...