Tái chế rác thành nguyên liệu đầu vào Thúc đẩy sự phát triển ngành tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam Thúc đẩy sớm hình thành nền công nghiệp tái chế tại Việt Nam |
Trong thời đại số như hiện nay, công nghệ chính là yếu tố tiên quyết giúp các hoạt động sản xuất kinh tế, xã hội vận hành một cách hiệu quả và thông minh hơn. Trên thực tế, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ từ những cường quốc công nghệ đã cho chúng ta thấy nhiều thay đổi rõ rệt.
Trước làn sóng đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực, tập trung thúc đẩy các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, điển hình là trong lĩnh vực xử lý, tái chế rác thải, hướng đến xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn hiệu quả và phát triển bền vững.
Mới đây, một trường hợp tiêu biểu là ông Bùi Thế Bảo (sinh năm 1982, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh), mang theo khát vọng số hóa chuỗi cung ứng, thu gom phế liệu từ nguồn phát thải đến nhà máy tái chế, góp phần bảo vệ môi trường, ông đã cho ra đời ứng dụng ve chai công nghệ VECA - một giải pháp thông minh được đánh giá tích cực.
Nhờ ứng dụng công nghệ VECA, việc phân loại thu gom rác thải nhựa nói riêng và ve chai nói chung đã trở nên dễ dàng, hiệu quả. Ứng dụng này không chỉ giúp giải quyết vấn đề phân loại rác thải tại nguồn, mà còn cung cấp giải pháp trong hệ sinh thái thu gom và tái chế rác, tăng tỷ lệ tái chế và kết nối đơn vị thu gom đến các nhà máy tái chế chính quy.
Thay vì tốn thời gian di chuyển đến điểm tập kết, giờ đây khách hàng chỉ cần vài thao tác đơn giản trên ứng dụng ve chai công nghệ VECA là có thể đặt lịch thu gom rác tận nhà. Hệ thống sẽ tự động kết nối với đội ngũ nhân viên thu gom chuyên nghiệp, đảm bảo rác thải được xử lý nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.
Ứng dụng ve chai công nghệ VECA cho phép kết nối giữa những người mua và bán ve chai một cách tiện lợi. Ảnh: VECA |
Ngoài ra, VECA cũng là một ứng dụng được thiết kế đặc biệt cho mô hình kinh doanh vựa phế liệu. Với khả năng chuyển đổi số các hoạt động mua và bán tại vựa phế liệu, VECA hỗ trợ chủ vựa phế liệu quản lý việc mua bán ve chai một cách hiệu quả và tiện lợi ngay trên chiếc điện thoại thông minh, từ việc ghi lại các giao dịch một cách chính xác. Qua đó, ứng dụng này sẽ giúp kiểm soát tỷ lệ hao hụt và thất thoát, đảm bảo quá trình kinh doanh diễn ra hiệu quả và tiết kiệm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Thế Bảo - Founder ứng dụng ve chai công nghệ VECA cho biết: “Tôi kỳ vọng VECA sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp các vựa phế liệu kinh doanh bền vững hơn, không còn tâm lý lo lắng hôm nay làm, ngày mai dẹp. Đồng thời, đứng về phía cơ quan quản lý, tôi tin rằng VECA cũng hoàn toàn có thể đồng hành cùng họ trong việc xây dựng cơ chế quản lý mô hình kinh doanh vựa phế liệu, giảm rủi ro thất thoát thuế, hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn”.
Tương tự như ông Bùi Thế Bảo, ông Nguyễn Tấn Lộc, CEO Công ty TNHH tái chế cà phê Lộc Nhân, người phát minh ra mô hình tái chế bã cà phê cũng nhận được sự chú ý của cộng đồng. Giải pháp này không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải từ cà phê mà còn tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, an toàn cho sức khoẻ và thân thiện với môi trường.
Theo đó, từ một loại rác thải gần như bỏ đi như bã cà phê, ông Lộc đã tận dụng để tái chế thành hơn 20 loại sản phẩm đa dạng và hữu dụng với con người như: Viên nén khử mùi, quà lưu niệm, nước lau sàn, nước lau bếp, tẩy bồn cầu, nước rửa chén, xịt khử mùi… Tất cả đều được sản xuất thủ công theo công thức hoàn toàn tự nhiên, không có hoá chất và an toàn cho người sử dụng.
Quà lưu niệm được tái chế từ bã cà phê của ông Nguyễn Tấn Lộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Mô hình kinh tế tuần hoàn của mình độc đáo ở chỗ tận dụng bã cà phê, vốn là phế phẩm thường bị bà con bỏ đi không, không sử dụng, để tạo ra giá trị mới. Sau khi tái chế bã cà phê, một phần thành phẩm này bà có thể tự bán đi, hoặc là đưa lại cho mình, để mình quảng bá, trưng bày ở các địa điểm phù hợp. Đến giờ, có thế nói chưa có một địa chỉ nào thực hiện việc tái chế và trưng bày bã cà phê handmade như thế này”, anh Nguyễn Tấn Lộc nói với Báo Công Thương.
Với mong muốn lan toả thông điệp bảo vệ môi trường, anh Lộc không ngần ngại chia sẻ bí quyết tái chế bã cà phê cho mọi người. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn được xem là mô hình lý tưởng để giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng khan hiếm và áp lực môi trường ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Những năm qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Sự chuyển dịch này không chỉ thể hiện quyết tâm của quốc gia trong việc bảo vệ hệ sinh thái mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới, phù hợp với xu thế toàn cầu.
Kinh tế tuần hoàn tập trung vào các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung ứng dịch vụ đều hướng đến việc kéo dài vòng đời của vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Khác với kinh tế tuyến tính – vốn chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu thụ rồi thải bỏ, gây ra lượng lớn rác thải – kinh tế tuần hoàn nhấn mạnh vào việc quản lý và tái tạo tài nguyên trong một chu trình khép kín, hạn chế tối đa phế thải.
Các phương thức tận dụng tài nguyên trong mô hình này rất đa dạng, bao gồm sửa chữa, tái sử dụng, tái chế, hoặc thay đổi từ sở hữu cá nhân sang hình thức chia sẻ hay cho thuê. Đây không chỉ là giải pháp hiệu quả để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn là hướng đi bền vững giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.