Gia tăng nhập khẩu, cán cân thương mại nghiêng về hướng nhập siêu Tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, cán cân thương mại nghiêng về hướng nhập siêu |
Nhập siêu chỉ là tạm thời
Nhận định về con số nhập siêu trong nửa đầu năm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, so với kim ngạch xuất khẩu, con số nhập siêu chỉ chiếm khoảng 1%. Đây là con số là bình thường, chưa phải là yếu tố đáng ngại, đặc biệt khi nhìn vào các yếu tố để tạo nên mức nhập siêu này.
Xuất nhập khẩu duy trì tăng trưởng ổn định |
Cụ thể, ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian vừa qua đã tác động rất lớn lên nhóm hàng điện tử - nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, làm sụt giảm sản xuất của nhóm này và làm cho xuất khẩu của chúng ta bị ảnh hưởng. Thứ hai, các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ cũng đang tích cực nhập nguyên liệu về để phục vụ cho những kế hoạch sản xuất từ nay đến cuối năm, dẫn đến khối lượng nguyên liệu nhập khẩu có sự gia tăng. Thứ ba, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua đã có những biến động rất mạnh như mặt hàng thép, xơ sợi, phân bón… đẩy giá trị nhập khẩu tăng lên, mặc dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng bản chất của vấn đề cũng vẫn không thay đổi vì chúng ta vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Những yếu tố như giá hoặc là những yếu tố về tăng nhập khẩu nguyên liệu chỉ là yếu tố tạm thời. Qua giai đoạn này thì chúng ta có thể duy trì được cân bằng cán cân thương mại và có thể trở lại xuất siêu” – ông Hải nhấn mạnh.
Cơ hội phục xuất khẩu
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu nửa cuối năm, ông Trần Thanh Hải cho biết, với cái tình hình kiểm soát dịch bệnh như hiện nay, có thể tin tưởng đợt dịch này có thể sẽ được khống chế sau khoảng một, hai tháng nữa. “Điều đáng mừng nhất qua đợt dịch vừa rồi là mặc dù có bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay, các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng để có thể đẩy mạnh sản xuất nhằm bù đắp lại phần thiếu hụt của hai tháng vừa qua”.
Cũng qua đợt dịch này, cái khả năng thích ứng cũng như khả năng dự báo được tình hình là yếu tố quan trọng cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Để chuẩn bị cho giai đoạn mới, thời kỳ phát triển mới thì cả doanh nghiệp, cả các hiệp hội, những cơ quan quản lý nhà nước cũng phải có những thay đổi tương ứng để chúng ta lường trước được những vấn đề có thể phát sinh, những rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế, đối với từng doanh nghiệp. Qua đó đề xuất phương án và kịch bản cụ thể” – ông Trần Thanh Hải khuyến cáo.
Thực tế trong 6 tháng đầu năm, dù xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng nông sản được coi là một trong những mặt hàng có rất nhiều điểm tích cực nhờ doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP để đưa nông sản, thực phẩm ra thế giới. Đặc biệt, câu chuyện quả vải xuất khẩu thành công qua nền tảng thương mại điện tử đã mở ra cơ hội cho nhiều loại nông sản khác.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải cho biết, những bài học như của Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La về thúc đẩy xúc tiến thương mại đối với một số sản phẩm nông sản, trong đó có quả vải là một bài học hết sức quý đối với các địa phương, nhất là trong bối cảnh đây không phải là sản phẩm mang tính chất truyền thống nhưng. Do đó, kể cả các cơ quan, bộ ngành, các địa phương, các vùng trồng khác cũng cần có nghiên cứu, phân tích để tìm ra các ưu điểm từ cách làm như vậy để xây dựng một phương án dài hạn giúp cho các sản phẩm nông sản tiến ra thị trường thế giới một cách bền vững.
“Các FTA cũng đã mở ra một cơ hội hết sức to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản. Tuy nhiên, việc tận dụng hay biến những cơ hội đó thành những giá trị hiện thực, thành kết quả kinh doanh không phải là một câu chuyện một sớm, một chiều. Chưa kể, nông sản là nhóm hàng rất đặc biệt, nó liên quan đến yếu tố về bảo quản, an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa. Do vậy, việc xúc tiến thương mại cũng như là bán hàng, vận chuyển cũng khó khăn hơn những nhóm hàng công nghiệp rất nhiều. Do đó, bài học từ quả vải thiều rất đáng ghi nhận để chúng ta tìm ra cơ hội cho các mặt hàng nông sản khác” – ông Hải khẳng định.