Sản xuất sạch: Doanh nghiệp nhỏ gặp khó về vốn và công nghệ
Khó tiếp cận nguồn vốn
Để thực hiện xanh hóa quá trình sản xuất, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để chuyển đổi công nghệ, nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, kiểm soát phát thải tại nguồn.
Tại Công ty CP sản xuất Bao bì Toàn cầu (TP. Biên Hòa), việc tối ưu hóa chi phí sản xuất là vấn đề mà doanh nghiệp rất quan tâm và nỗ lực để cải thiện trong tời gian qua. Ông Phạm Văn Chính, Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp đang nỗ lực để hạ chi phí sản xuất, giảm thiểu các tác động đến tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu tái chế cũng đang từng bước được đẩy mạnh, tuy nhiên cũng còn rất khó khăn, nhất là vấn đề đầu tư hệ thống, hạ tầng và nghiên cứu vật liệu mới.
Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang buộc phải từng bước tham gia vào kinh tế tuần hoàn, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, môi trường, chỉ số phát thải CO2/ đơn vị sản phẩm... Bước đầu của chặng đường này là chuyển đổi công nghệ và như vậy thì cần phải có nguồn vốn.
Đơn cử như tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nhựa Vinastar (Biên Hòa-Đồng Nai), Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty cho biết: “Với doanh nghiệp nhỏ, nguồn vốn hạn chế thì đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại là vấn đề lớn không dễ thực hiện. Tuy nhiên, muốn tồn tại và phát triển, cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các quốc gia khác, các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam buộc phải tính toán, ưu tiên nguồn vốn để từng bước thay đổi công nghệ, đảm bảo thân thiện với môi trường”.
Trong khi đó, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)- đơn vị tiên phong trong triển khai kinh tế tuần hoàn cho hay: “Xơ, sợi chuối từ bẹ chuối khô là nguyên liệu làm được rất nhiều mặt hàng thủ công thân thiện với môi trường được thị trường thế giới ưa chuộng nên tiềm năng còn rất lớn. Đơn vị vẫn đang tiếp tục đa dạng các sản phẩm hướng đến quy trình chế biến khép kín hầu như không bỏ một bộ phận nào của cây chuối nhằm giúp tăng giá trị của cây trồng này”.
“Đầu tiên là vốn, chúng tôi rất cần vốn để đầu tư hệ thống máy móc, kỹ thuật nhằm tạo ra các sản phẩm mới, ứng dụng hết các phụ phẩm trong quá trình sản xuất nhưng không dễ. Nguồn vốn đã cạn nhưng vay mới chưa có. Hơn thế nữa, hiện nay sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành nghề với nhau còn lỏng lẻo. Mạnh ai nấy làm, ngay cả việc hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm trong lúc khó khăn còn khiêm tốn. Vì thế chưa thể liên kết để tạo ra được những sản phẩm thật sự chất lượng, giá trị cao như mong muốn” - ông Hùng chia sẻ.
Cần sự đồng hành của nhà nước
Trước những khó khăn về vốn và công nghệ trong chuyển đổi công nghệ sản xuất, thời gian qua nhiều địa phương trên cả nước đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, điển hình như là chương trình khuyến công đã được nhiều tỉnh vận dụng linh hoạt qua đó, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại.
Tại Quảng Bình doanh nghiệp được hỗ trợ vốn từ nguồn khuyến công để đầu tư đổi mới công nghệ |
Đơn cử như tại Quảng Bình, thông qua nguồn vốn khuyến công, Sở Công Thương Quảng Bình đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp nguồn vốn để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị, từ đó, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp.
Điện hình như HTX Chế biến nông thủy sản Dương Nga (TX. Ba Đồn) được hỗ trợ đầu tư hệ thống máy sấy trong sản xuất, chế biến thủy sản. Nhờ đó, HTX chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, nâng cao công suất và chất lượng sản phẩm, hạn chế được mùi hôi của hải sản khi chế biến, không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
Cũng từ nguồn vốn khuyến công, Công ty CP Tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh đã được hỗ trợ đầu tư hệ thống tách rửa đa cấp Hydrocyclon vào sản xuất chế biến tinh bột và tinh bột sắn biến tính. Với hệ thống thiết bị này, công ty nâng cao chất lượng bột, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tiết kiệm điện năng tiêu thụ so với loại máy khác.
Có thể khẳng định để triển khai kinh tế tuần hoàn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và công nghệ.