Ngành dệt may Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mà còn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực. Trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn, ngành dệt may đang phải đối mặt với những thách thức lớn, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để cải thiện và đổi mới. Do đó, việc chuyển đổi sang sản xuất và tiêu dùng bền vững thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may là yêu cầu cấp bách, nhưng con đường này không hề dễ dàng. Hiện nay, các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đang ngày càng thắt chặt các tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu. Những yêu cầu về kinh tế tuần toàn, sản phẩm xanh, mức độ phát thải carbon và sử dụng nguyên liệu tái chế đang tạo ra áp lực lớn cho các nhà sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu như Việt Nam. Tại Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 được Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 19/9 vừa qua tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Đức Trị - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết: Trước xu hướng chung của thế giới và yêu cầu khắt khe từ các thị trường lớn của ngành dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển dịch sang các quy trình sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế và giảm thiểu chất thải trong sản xuất. Phó Chủ tịch VITAS thông tin, một số doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng các loại vải tái chế từ nhựa PET, vải cotton tái chế, hay sợi bền vững như sợi tre, sợi từ vỏ cây. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, việc triển khai thực hiện rộng rãi sản xuất tiêu dùng bền vững thúc đẩy kinh tế tuần hoàn gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi một loạt thay đổi từ công nghệ, quy trình sản xuất cho đến nhận thức của doanh nghiệp. Và một số những khó khăn chính mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt. Trước hết là những hạn chế về tài chính, công nghệ và nhân lực. Theo ông Nguyễn Đức Trị, để chuyển đổi sang sản xuất tiêu dùng bền vững thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần đầu tư lớn vào công nghệ hiện đại, như hệ thống xử lý nước thải, tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguyên liệu tái chế... Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa đủ khả năng tài chính để thực |
Ngoài ra, như vải tái chế, bông hữu cơ và các chất liệu không gây ô nhiễm thường có giá thành cao hơn so với các nguyên liệu truyền thống và nguồn cung còn khan hiếm. Khó khăn tiếp theo đó là nhận thức và kỹ năng về quản lý bền vững, đặc biệt là các vấn đề quản lý chất thải và chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp dệt may còn yếu. Lý giải về điều này, ông Trị cho biết: Mặc dù khái niệm phát triển bền vững đang dần trở nên quen thuộc, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc này. Một số doanh nghiệp chỉ xem sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn là một hình thức đối phó với các yêu cầu quốc tế thay vì coi đó là chiến lược dài hạn. Chuỗi cung ứng của ngành dệt may là một trong những khía cạnh quan trọng cần được cải thiện, bởi vì việc sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, giảm thiểu lãng phí trong sản xuất và quản lý chất thải sau khi sản phẩm hết vòng đời là những yếu tố cốt lõi trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, việc thiếu các kỹ năng quản lý chuỗi cung ứng bền vững cũng là một trở ngại lớn. Bên cạnh đó, đối với một số người tiêu dùng, nhận thức về lợi ích của các sản phẩm bền vững chưa đầy đủ và giá cả vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với người tiêu dùng. Sự chênh lệch giá giữa sản phẩm bền vững và sản phẩm truyền thống là một trở ngại đáng kể khi triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững. |
Cuối cùng là áp lực từ các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ, nơi tiêu thụ phần lớn các sản phẩm dệt may của Việt Nam, đang ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững. Các yêu cầu liên quan đến phát thải carbon, sử dụng hóa chất an toàn và nguồn gốc nguyên liệu tái chế đặt ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi không chỉ quy trình sản xuất mà còn cả cách quản lý và vận hành chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu chuyển đổi.
|
Mặc dù còn nhiều khó khăn và rào cản, tuy nhiên vị lãnh đạo Hiệp hội Dệt may cũng chỉ ra những cơ hội và điều kiện thuận lợi mà doanh nghiệp Việt có thể tận dụng trong triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn và sản xuất tiêu dùng bền vững và đã có những chính sách thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn. Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ với quốc tế về lộ trình hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, định hướng ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Song song với đó là các chương trình hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, chính sách ưu đãi thuế cho các dự án sản xuất xanh và các chương trình đào tạo giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với công nghệ và giải pháp bền vững. Ngoài ra, Chính phủ cũng cam kết hỗ trợ ngành dệt may thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến quốc gia và quốc tế nhằm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế liên quan đến các chương trình phát triển bền vững. Hiện nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), và các tổ chức phi chính phủ đang tài trợ, tư vấn kỹ thuật và cung cấp nguồn vốn cho các dự án sản xuất bền vững tại Việt Nam. Sự hợp tác với các tổ chức này giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực và công nghệ tiên tiến hơn để triển khai sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Việt Nam đang phát triển và mở rộng nguồn nguyên liệu dệt may nội địa như sợi tái chế và các loại vải thân thiện với môi trường. Việc phát triển các nguồn nguyên liệu này giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe về sản phẩm bền vững của thị trường quốc tế. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường lớn và bền vững hơn. Trong đó, đáng chú ý là các thị trường như như EU, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đang ngày càng ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc bền vững và đạt các tiêu chuẩn về phát thải, bảo vệ môi trường. Việc đáp ứng các yêu cầu này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì các thị trường xuất khẩu hiện tại mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới với giá trị gia tăng cao hơn. Ông Nguyễn Đức Trị cũng cho rằng với các quy định về phát triển xanh, yêu cầu sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn cũng là cơ hội để giúp các doanh nghiệp dệt may nâng cao giá trị thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường. Đối với các doanh nghiệp chủ động và nghiêm túc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn thì sản xuất và tiêu dùng bền vững đã tạo ra sự khác biệt cho doanh nghiệp mình trên thị trường, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu doanh nghiệp. Khách hàng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có chứng nhận bền vững. Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tăng lợi nhuận mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và hiệu quả sản xuất. lợi ích kinh tế bền vững trong dài hạn. Ông Nguyễn Đức Trị khẳng định: Việc chuyển đổi sản xuất xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn còn là cơ hội thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, doanh nghiệp có thể tận dụng các cơ hội để sáng tạo ra các sản phẩm mới thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất giúp nâng cao hiệu suất và giảm tác động đến môi trường. |
Việc triển khai sản xuất và tiêu dùng bền vững thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam là một yêu cầu cấp bách trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình này đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực của doanh nghiệp, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ ngành và địa phương để các doanh nghiệp có thêm động lực thực hiện hiệu quả các chương trình đề ra. Ông Nguyễn Đức Trị cho rằng, trước hết các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất tuần hoàn để các doanh nghiệp có cơ hội tham gia trao đổi và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các đơn vị tiên tiến trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo lao động cho các doanh nghiệp có hướng chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn. Cùng với đó là chính sách để hỗ trợ tư vấn về khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn cũng như chính sách huy động và phân bộ nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư phát triển, có mức vay ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. |
Thu Hường Đồ họa: Hồng Thịnh |