Sai phạm tiền tỷ, sao chỉ rút kinh nghiệm?
Lần này “sợi dây” rút kinh nghiệm, kiểm điểm sâu sắc lại tiếp tục “dài” thêm với vụ việc xảy ra tại tỉnh Thanh Hoá.
Như báo Công Thương đã thông tin, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố Kết luận thanh tra số 96/KL-Ttr, ngày 6/5/2022, về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, và công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thuộc niên độ kế toán từ năm 2019 - 2021 của tỉnh Thanh Hoá.
Theo đó, kết quả kiểm tra 13.425 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ đang hưởng chế độ chất độc hóa học, phát hiện 2.114 hồ sơ thiếu thành phần hoặc chưa đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để hưởng chế độ. Tổng số tiền phải thu hồi về mặt sổ sách lên đến gần 100 tỷ đồng.
Theo đó có 371 cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc này. Thông tin cũng cho biết, riêng tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thanh Hóa có 3 phòng chuyên môn và 10 cá nhân có liên quan đã “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Liệu sau việc “kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc” này kết quả sẽ là “hoà cả làng” hay không cùng việc số tiền gần 100 tỷ đồng trên mà thực chất là ngân sách nhà nước sẽ bị thất thoát vĩnh viễn?
Ảnh minh hoạ |
Lâu nay hình thức xử lý “kiểm điểm, rút kinh nghiệm” rồi “kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc” là hình thức đã tồn tại từ rất lâu song lại vẫn được không ít cơ quan nhà nước “ưa chuộng” và cho thực thi trong bối cảnh hiện nay.
Trên thực tế đây là một câu chuyện cần được nhìn nhận hoàn toàn nghiêm túc.
Trước hết “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” rồi “rút kinh nghiệm sâu sắc” thực chất chỉ là một sự khuyến cáo, nhắc nhở, lắm khi mang màu sắc “vỗ vai”, “trong nhà đóng cửa bảo nhau” của một thời trong quá khứ mà hoàn không phải là một hình thức kỷ luật, càng không thể đồng nghĩa với việc sẽ có một hình thức giám sát, kiểm tra cũng như răn đe để các sai phạm không lặp lại.
Thêm nữa là trong phần “xử lý vi phạm” của tất cả các luật, pháp lệnh, nghị định của Nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức cũng như các hình thức xử lý kỷ luật của Đảng đều không có quy định nào về “nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Phương thức ấy không thể được áp dụng trong quản lý kinh tế và xã hội hiện đại từ phạm vi một doanh nghiệp, một tổ chức và rộng hơn là cả nước.
Cũng rất bất hợp lý đặc biệt là những sai phạm liên quan đến ngân sách nhà nước khi mà thực chất đây là tiền thuế của người dân làm nghĩa vụ với Nhà nước. Khi người dân làm sai trốn nộp thuế có thể bị xử lý hình sự trong khi những tập thể cá nhân có trách nhiệm quản lý thay vì hướng những đồng tiền ấy đến đúng địa chỉ, đến đúng đối tượng cũng như để những đồng tiền ấy sinh sôi, quay trở lại đầu tư phát triển, lại để xảy ra thất thoát và trong không ít trường hợp tham nhũng lại chỉ phải kiểm điểm rút kinh nghiệm mà không chịu những hình thức xử lý kỷ luật nào theo quy định.
Rõ ràng là ở đây vẫn còn đang thiếu những bộ tiêu chí đánh giá thế nào là khiển trách, thế nào là cảnh cáo và kẽ hở này đang được “trám” bởi hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm. Trong khi trên thực tế việc kiểm điểm rút kinh nghiệm hoàn toàn có thể nói rằng là những việc ai cũng nên làm và thậm chí là cần phải làm thường xuyên để tiếp tục hoàn thiện bản thân hay đạt được thành quả như mong muốn trong mọi công việc và đem lại lợi ích cho xã hội. Đó không thể là hình thức xử lý, là thang độ, càng không thể là “bình phong” làm mờ các sai phạm khi đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, kết luận.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng", một cơ chế để "không cần tham nhũng".
Từ yêu cầu của người đứng đầu Đảng ta cho thấy việc hoàn thiện quy chế để rút ngắn dần “sợi dây” kiểm điểm rút kinh nghiệm vừa để bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, vừa tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật Nhà nước cũng như kỷ luật Đảng là việc cần làm ngay. Đó cũng là công việc quan trọng trong việc nêu cao tính thượng tôn của pháp luật để rồi đây, những tập thể, cá nhân không thể còn trông chờ vào “chiếc phao” kiểm điểm rút kinh nghiệm trong thực thi công vụ.