Thang máy hỏng 2 năm chưa được sữa chữa
Hệ thống thang máy 4 khu của chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng dù hư hỏng đã lâu vẫn chưa được sửa chữa, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là những hộ sống ở tầng cao. Trong đó, cầu thang máy khu A, B hỏng 2 năm nay, dù người dân sống trong khu chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng có liên quan xin sửa chữa, tuy nhiên sau 1,5 năm vẫn không có hồi âm và người dân dù tuổi cao, già yếu, trẻ em, phụ nữ mang thai vẫn ngày ngày sống trong các khu chung cư trên phải đi cầu thang bộ.
Nhiều người dân tuổi cao, sức khỏe yếu phải đi lên xuống cầu thang bộ 2 năm nay do thang máy hỏng tại khu chung cư 7 tầng Vĩnh NIệm, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Ảnh: Thu Anh |
Bà Nguyễn Mộng Hiền, khu chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng cho biết: Bản thân tôi chân tay đau yếu, hằng ngày lên xuống bằng cầu thang bộ tay phải vịn cầu thang rất khó khăn. Chúng tôi sống quá khổ, mong các cơ quan chức năng sớm sửa chữa hệ thống thang máy cho người dân ổn định cuộc sống.
Ông Đào Xuân Tỉnh - 70 tuổi, ở khu B chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng bức xúc: Từ giữa năm 2023, người dân sống trong khu chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm đã gửi đơn đến Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà, Sở Xây dựng Hải Phòng và UBND TP. Hải Phòng xin được sửa chữa cầu thang máy bị hư hỏng, tuy nhiên không nhận được hồi âm từ các cơ quan chức năng và đến nay hệ thống thang máy tại các khu chung cư vẫn chưa được sửa chữa, thay thế. Vợ tôi, tuổi cao lại bị bệnh suy tim và các cháu nhỏ hằng ngày đi lại rất khó khăn.
Hệ thống thang máy tại khu chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng bị hỏng thời gian dài chưa được sửa chữa. Ảnh: Thu Anh |
Ông Tỉnh cho biết thêm: Tại khu chung cư nhiều hộ phải chuyển đến nhà người thân ở nhờ hoặc thuê nơi khác để ở do sức khỏe yếu không thể leo được cầu thang bộ. Điển hình như nhà bà Oanh ở tầng 6, do bị đau xương khớp phải “bỏ nhà” thuê nơi khác để sống. Khu chung cư không chỉ hỏng hệ thống thang máy 2 năm nay, mà hệ thống cửa đều bị mối mọt, tường lâu năm bị ẩm mốc loang lổ, bong tróc, xuống cấp.
Tại một khu chung cư xây dựng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Hải Phòng khác, ông Vũ Minh Đức, sinh năm 1967, ở số 13, cầu thang 1A7, phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền), do ảnh hưởng bão số 3, chính quyền địa phương bố trí tránh trú và được bốc thăm về tạm cư tại khu chung cư 5 tầng Kênh Dương, với diện tích 49m2. Tuy nhiên, ông Đức mong thành phố sớm quan tâm, sửa chữa các hạng mục tại các căn hộ trong khu chung cư vì để lâu năm nhiều hạng mục xuống cấp.
Nhiều chung cư mới xây dựng xuống cấp
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hải Phòng, trên địa bàn thành phố hiện có 10 khu chung cư thuộc sở hữu nhà nước mới xây dựng từ khoảng năm 2006 trở lại đây, với tổng số 4.102 căn hộ. Cụ thể gồm: Khu 9 tầng lô 27 Lê Hồng Phong, khu 9 tầng Đông Khê, N1-N2 Lê Lợi, HH1-HH2- HH3- HH4 và khu Đ2 phường Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền); khu 5 tầng Khúc Thừa Dụ, 7 tầng Vĩnh Niệm, 5 tầng Kênh Dương, U19 Lam Sơn (quận Lê Chân) và khu 5 tầng Cát Bi (quận Hải An). Phần lớn các chung cư này dù thời gian xây dựng chưa lâu, nhưng đã trong tình trạng xuống cấp, nhiều hạng mục công trình bị hỏng, không thể sử dụng, trong đó có những hạng mục trực tiếp phục vụ sinh hoạt và an toàn của người dân như: Thang máy, khu tập kết rác, máy bơm nước, thiết bị phòng cháy chữa cháy…
Trong đó, nhiều khu chung cư mới, điển hình các tòa nhà chung cư HH3- HH4 thuộc dự án cải tạo chung cư cũ, xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn TP. Hải Phòng được khởi công xây dựng năm 2018 hoàn thành vào năm 2020 đưa vào sử dụng, với quy mô 29 tầng và gần 1.500 căn hộ; tiếp đó, khu chung cư HH1-HH2, công trình khởi công xây dựng từ năm 2019 và hoàn thành năm 2021 đưa vào sử dụng... đến nay nhiều hạng mục công trình cũng xuống cấp chưa được sửa chữa.
Nhiều khu chung cư mới xây dựng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Hải Phòng xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân. Ảnh: Thu Anh |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều khu chung cư mới xây dựng thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Hải Phòng xuống cấp thời gian dài, dù ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân chưa được các cơ quan chức năng khắc phục, sửa chữa, cải tạo kịp thời. Một phần là do việc chuyển đổi cơ quan quản lý; thủ tục theo Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… nên mất nhiều thời gian.
Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng cho biết: Trước đây khi công ty được thành phố giao quản lý trực tiếp, công tác bảo trì, sửa chữa, khắc phục các hạng mục, công trình xuống cấp tại các khu nhà được công ty chủ động bố trí sửa chữa. Tuy nhiên, từ tháng 5/2023 TP. Hải Phòng chuyển giao từ công ty sang Sở Xây dựng quản lý, khi nhận được kiến nghị của người dân tại khu chung cư 7 tầng Vĩnh Niệm, công ty đã có văn bản báo cáo đề nghị Sở Xây dựng sửa chữa và thay thế các cầu thang máy bị hư hỏng.
Liên quan công tác bảo trì các chung cư, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được Thành phố giao Sở Xây dựng thực hiện từ năm 2023, Sở đã trình UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch cải tạo, sửa chữa và bảo trì các chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố, bao gồm các chung cư: 7 tầng Vĩnh Niệm, Kênh Dương, Khúc Thừa Dụ, Cát Bi, N1-N2 Lê Lợi, DD2, HH3-HH4… Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 đến năm 2025.
Được biết, thời gian qua, TP. Hải Phòng đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, trong đó có người dân sống trong các khu chung cư xuống cấp. Đặc biệt, sau cơn bão số 3, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo ngừng sử dụng 41 tòa chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D, trong đó có hơn 2.600 hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thiết nghĩ TP. Hải Phòng, cụ thể Sở Xây dựng Hải Phòng cần sớm vào cuộc phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng kiểm tra, rà soát, các hạng mục công trình bị hỏng, không thể sử dụng, trong đó có những hạng mục trực tiếp phục vụ sinh hoạt và an toàn của người dân như hệ thống thang máy, cửa, tường, nền nhà, khu tập kết rác… để không còn cảnh người dân có nhà nhưng không dám ở.