RCEP: Khai mở kỷ nguyên mới cho hợp tác kinh tế châu Á
Theo Aisixiang, đứng trước những xu hướng và thách thức mới về sự thay đổi sâu sắc và phức tạp của tình hình địa kinh tế và địa chính trị toàn cầu, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với vai trò là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, đã được triển khai toàn diện và bước đầu mang lại lợi ích. Thực tiễn bước đầu chứng minh RCEP thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế khu vực.
Đặc điểm chính của cơ chế này là lấy phát triển làm định hướng, đề cao thương mại tự do, nhấn mạnh hợp tác kinh tế sâu rộng và phát triển cân bằng; lấy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm chủ thể, thiết lập thỏa thuận về thương mại tự do của khu vực với trung tâm là các nền kinh tế đang phát triển; lấy bao dung làm đặc điểm và kiên trì nguyên tắc mở cửa khu vực, đề cao tinh thần tiến bộ và tính linh hoạt.
Việc thực thi RCEP hiệu quả và mang lại lợi ích sẽ làm thay đổi sâu sắc cục diện kinh tế và thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thậm chí cả toàn cầu. Cơ chế này cũng sẽ tạo động lực để Trung Quốc tham gia quản trị kinh tế toàn cầu và hình thành mô hình phát triển mới với vòng tuần hoàn kép trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau.
RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Ảnh: Pixabay |
Thứ nhất, RCEP là tổng hợp các cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại châu Á, giải phóng tiềm năng to lớn của thị trường khu vực. RCEP đã trở thành “cỗ máy điều phối” các cơ chế hợp tác khu vực. RCEP điều phối 27 hiệp định thương mại tự do và 44 hiệp định đầu tư sẵn có của châu Á; đồng thời, lần đầu tiên các nền kinh tế lớn của châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được đưa vào thỏa thuận quy tắc thị trường đơn nhất. Từ năm 2022 - 2023 sau khi RCEP chính thức có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng kinh tế của 8 nước thành viên cao hơn trước khi hiệp định có hiệu lực và cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới.
RCEP giảm chi phí mang tính thể chế kinh tế - thương mại và thúc đẩy tăng trưởng đầu tư thương mại trong khu vực. Các biện pháp như ưu đãi thuế quan sẽ giải phóng tiềm năng tăng trưởng thương mại trong khu vực. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc sang nước 14 thành viên còn lại của RCEP đạt 12.600 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tăng 5,3% so với năm 2021 trước khi RCEP có hiệu lực.
Các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại đã làm giảm đáng kể chi phí thương mại trong khu vực. Sự kết hợp giữa danh sách hạn chế đầu tư và cơ chế quản lý chặt chẽ giúp tối ưu hóa môi trường đầu tư trong khu vực. Năm 2023, đầu tư trực tiếp phi tài chính của Trung Quốc vào các quốc gia thành viên khác của RCEP tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 14 điểm phần trăm so với tốc độ tăng trưởng đầu tư trực tiếp toàn cầu của Trung Quốc.
Ngoài ra, RCEP thúc đẩy sự phát triển hội nhập của hai nền kinh tế năng động nhất là Trung Quốc và ASEAN. Điểm nổi bật là giải phóng hiệu quả tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và ASEAN, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước kém phát triển nhất ASEAN. Từ năm 2000 - 2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á tăng trưởng với tốc độ bình quân hằng năm là 5% nếu tính theo tỷ giá của đồng USD năm 2015, thì cao gấp 1,8 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của thế giới; trong đó, Trung Quốc và ASEAN đóng góp 68,9% vào tăng trưởng chung của khu vực châu Á. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng thương mại của các nước Lào, Myanmar, Campuchia so với các thành viên RCEP khác lần lượt là 28,13%, 13,68% và 3,42%. Tốc độ tăng trưởng GDP của 3 nước trong cùng kỳ lần lượt là 2,7%, 4% và 5,4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế toàn cầu.
Thứ hai, RCEP định hình lại cục diện hợp tác ở châu Á, định hình lại chuỗi cung ứng công nghiệp của châu Á. Một là, quy tắc cộng gộp xuất xứ thúc đẩy sự phát triển tổng hợp chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong khu vực. Các nước thành viên RCEP có thể tận dụng tài nguyên của các nước đang phát triển trong khu vực, cơ sở sản xuất hàng hóa trung gian và lợi thế công nghệ của các nền kinh tế phát triển; đồng thời, tận dụng tối đa quy tắc cộng gộp xuất xứ trong khu vực để hình thành chuỗi công nghiệp, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị khép kín trong khu vực. Hai là, tính bền vững của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp khu vực đã được củng cố thêm. Tỷ trọng thương mại hàng hóa trung gian khu vực RCEP trong tổng kim ngạch thương mại tăng từ khoảng 64,5% vào năm 2021 lên khoảng 65% vào năm 2022. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm chung vào năm 2023, tỷ trọng thương mại hàng hóa trung gian trong khu vực RCEP đã tăng lên khoảng 66%, thể hiện tính ổn định cao. Ngoài ra, sự kết hợp giữa danh sách thương mại dịch vụ tích cực và tiêu cực sẽ thúc đẩy sự phát triển ổn định của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và chuỗi ngành nghề khu vực.
Nâng cao vị thế của châu Á trong cục diện công nghiệp toàn cầu. RCEP là khu vực có mức độ hội nhập cao nhất của chuỗi giá trị toàn cầu. Năm 2023, kim ngạch thương mại hàng hóa trung gian của Trung Quốc với khu vực này là 8.200 tỷ NDT, chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch thương mại với khu vực và 33,2% tổng kim ngạch thương mại hàng hóa trung gian toàn cầu. Dữ liệu hải quan trong 4 tháng đầu năm 2024 cho thấy, thương mại hàng hóa trung gian giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên RCEP khác đạt 2.900 tỷ NDT, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
RCEP cũng giảm bớt một phần tác động của địa chính trị. Năm 2021, tỷ trọng thương mại dịch vụ trong thương mại song phương giữa Trung - Nhật, Trung - Hàn, Nhật - Hàn lần lượt là 7,8%, 8,22% và 11,06%. Chính sách mở cửa thương mại dịch vụ RCEP phát huy hiệu quả đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển hội nhập của thương mại dịch vụ của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong khu vực.
Thứ ba, RCEP tăng cường vai trò chủ đạo của ASEAN trong hợp tác kinh tế, thương mại khu vực. RCEP thể hiện sự năng động và sức hấp dẫn thông qua việc coi ASEAN là chủ thể chủ đạo. Dự kiến đến năm 2035, tỷ trọng GDP của châu Á so với thế giới tăng từ 39,1% của năm 2021 lên 45 - 50%. Xét về tốc độ tăng trưởng lũy tiến, tỷ lệ đóng góp của Trung Quốc và ASEAN duy trì ở mức trên 60%. RCEP thừa nhận sự khác biệt trong phát triển, vừa bảo đảm tính nguyên tắc vừa linh hoạt; đồng thời, làm nổi bật mô hình hợp tác khu vực dựa trên sự đồng thuận, thể hiện rõ hơn vai trò và lợi thế của cơ chế này trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực.
Các thỏa thuận quy tắc bao dung theo định hướng phát triển giúp các nước kém phát triển nhất được hưởng lợi ích từ hợp tác kinh tế và thương mại khu vực. RCEP thiết lập các điều khoản đối xử đặc biệt và khác biệt, đồng thời cung cấp các thỏa thuận quá độ cho các nước kém phát triển nhất trong ASEAN. RCEP bao gồm các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế chênh lệch nhau lớn nhất thế giới, tỷ lệ GDP bình quân đầu người giữa nước cao nhất và thấp nhất là 42:1, trong đó các nước kém phát triển nhất được hưởng lợi nhiều hơn. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại trong khu vực của Lào và Myanmar tăng lần lượt 28,13% và 13,68% so với cùng kỳ năm 2021, là động lực quan trọng giúp ASEAN sẽ phát triển thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. ASEAN đang trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế thần tốc. Dự kiến đến sau năm 2030, GDP của ASEAN sẽ đạt khoảng 6.600 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Thứ tư, RCEP là giải pháp chiến lược tối ưu hóa lộ trình mở cửa của Trung Quốc, điểm khởi đầu lớn nhất cho lộ trình mở cửa của Trung Quốc. Năm 2023, tỷ trọng tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nền kinh tế RCEP khác trong tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc sẽ tăng 1,1 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN tăng gần 4 điểm phần trăm so với năm 2021. Trung Quốc và ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong 4 năm liên tiếp. Năm 2023, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN tăng tới 44,6%, với tổng vốn đầu tư hai chiều lũy kế đạt hơn 380 tỷ USD.
Sự mở cửa ở trình độ cao của Trung Quốc giúp tái cân bằng cục diện kinh tế châu Á. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc đã mang lại lợi ích lớn cho sự hội nhập kinh tế của châu Á. Ví dụ, đến năm 2030, tỷ trọng tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc ước đạt hơn 50%, điều này sẽ mang lại một thị trường dịch vụ mới trị giá 10 nghìn tỷ USD và nhu cầu lớn hơn về dịch vụ cho các nền kinh tế khác của châu Á. Hiệu ứng tác động thị trường của Trung Quốc đã thúc đẩy việc điều chỉnh mô hình phân công lao động “châu Á sản xuất, toàn cầu tiêu dùng” và dần hình thành mô hình mới “châu Á sản xuất, châu Á tiêu dùng”.
Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia tiên phong trong xu thế mới của toàn cầu hóa kinh tế. Từ năm 2024 - 2028, kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ của Trung Quốc dự kiến sẽ lần lượt vượt 32 nghìn tỷ USD và 5 nghìn tỷ USD. Quy mô này tương đương 54% tổng kim ngạch hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu toàn cầu vào năm 2023. Dự kiến từ 5 - 10 năm tới, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn có khả năng duy trì ở mức khoảng 30%. Thực tiễn thành công của RCEP sẽ tạo tiền lệ quan trọng cho việc thúc đẩy cải cách hệ thống thương mại đa phương với hạt nhân là Tổ chức thương mại thế giới (WTO), và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế châu Á.
RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN. Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực… |