Quy định mới về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới
Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025, gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ưu tiên phát triển các dự án nguồn điện lớn để hình thành cụm nhà máy hoặc trung tâm năng lượng tái tạo |
Trong đó, Điều 20. Quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới thuộc Mục 1, Chương III của Luật Điện lực (sửa đổi) nêu rõ, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động liên quan đến phát triển, đầu tư xây dựng dự án điện năng lượng mới, điện năng lượng tái tạo có trách nhiệm sau đây: Tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, di sản văn hóa và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Nguyên tắc phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới bao gồm: Bảo đảm an ninh cung cấp điện và an toàn hệ thống điện; phát triển tại các vùng, miền, địa phương có tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng mới và đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng của hệ thống điện để tránh lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng do không giải tỏa được công suất nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, bảo đảm tin cậy cung cấp điện; giảm tổn thất kỹ thuật, giảm áp lực truyền tải điện đi xa; bảo đảm yêu cầu về môi trường và phù hợp với điều kiện xã hội khu vực phát triển.
Bảo đảm đồng bộ kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tiến tới tự chủ về công nghệ tại một số khâu phù hợp.
Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên bền vững, hợp lý và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ xuất khẩu điện.
Đồng thời, ưu tiên phát triển các dự án nguồn điện lớn để hình thành cụm nhà máy hoặc trung tâm năng lượng tái tạo nhằm phát huy lợi thế tự nhiên, hạ tầng lưới điện và phù hợp với khả năng giải tỏa công suất và yêu cầu vận hành hệ thống điện quốc gia của từng vùng, từng địa phương, phù hợp với điều kiện, trình độ công nghệ trong từng thời kỳ.
Khuyến khích phát triển phù hợp điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời trên mặt nước, lòng hồ thủy lợi; ưu tiên phát triển tại mặt nước lòng hồ thủy điện hiện có, không phải đầu tư mới lưới điện truyền tải; ưu tiên phát triển nguồn điện gió ngoài khơi gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện hoặc sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh để phục vụ hoạt động phát điện, sử dụng điện.
Đối với nguồn điện mặt trời và điện gió có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, tổng công suất phát của nhà máy điện mặt trời, điện gió và bao gồm công suất hệ thống lưu trữ điện không được vượt quá công suất của nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; công suất lắp đặt do chủ đầu tư quyết định trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở bảo đảm tỉ lệ công suất hệ thống lưu trữ điện theo quy định và hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Phát triển điện từ năng lượng tái tạo, năng lượng mới tạo nền tảng để chuyển dịch cơ cấu điện năng theo hướng các-bon thấp, đạt mục tiêu giảm phát thải và bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững.
Dự án điện gió trên biển gồm có toàn bộ tua bin điện gió được xây dựng trên vùng biển Việt Nam và nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền về phía biển.
Dự án điện gió trên biển gồm các loại sau: Dự án điện gió gần bờ có toàn bộ tuabin được xây dựng trong vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền về phía biển; Dự án điện gió ngoài khơi có toàn bộ tuabin được xây dựng ngoài vùng biển 6 hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm của đất liền về phía biển.
Việc quy hoạch, đầu tư phát triển dự án điện gió trên biển theo thứ tự ưu tiên như sau: Dự án sản xuất điện để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; dự án điện lực tự sản xuất, tự tiêu thụ hoặc dự án điện lực cho sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh và nhu cầu khác phục vụ nhu cầu trong nước; dự án sản xuất điện để xuất khẩu và sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh xuất khẩu.
Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên biển phù hợp với thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển trong từng thời kỳ.
Dự án điện gió ngoài khơi được hưởng cơ chế, chính sách gì?
Tại Điều 22. Phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Mục 1, Chương III của Luật Điện lực (sửa đổi) quy định: Nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, việc đấu nối thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực; được bán sản lượng điện dư theo quy định của pháp luật; được sử dụng đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng kết hợp đa mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai.
Căn cứ khả năng kỹ thuật, điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ, hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình lắp đặt điện tự sản xuất, tự tiêu thụ như sau: Hỗ trợ về tài chính cho đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà và hệ thống lưu trữ điện; hỗ trợ kỹ thuật về thiết kế, giải pháp bảo đảm an toàn chịu lực công trình, giải pháp phòng cháy, chữa cháy.
Tại Điều 23. Phát triển điện năng lượng mới cũng quy định: Dự án điện năng lượng mới là dự án sản xuất năng lượng sạch được thực hiện chính sách về thuế, tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.
Căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh cung cấp điện, tiến bộ khoa học và công nghệ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách sau đây đối với dự án điện năng lượng mới: Miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm lợi ích của Nhà nước và nhân dân, an toàn hệ thống điện trong từng thời kỳ.
Đáng chú ý, tại Mục 2, Chương III của Luật Điện lực (sửa đổi) đã quy định về phát triển điện gió ngoài khơi. Trong đó, nêu rõ, dự án điện gió ngoài khơi được hưởng cơ chế, chính sách sau đây với điều kiện và thời hạn do Chính phủ quy định: Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia; miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển; miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất.
Ngoài ra, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng và người có liên quan cho dự án điện gió ngoài khơi theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Dự án điện gió ngoài khơi được xác định là dự án đầu tư xây dựng và được áp dụng quy định sau: Việc khảo sát dự án điện gió ngoài khơi được áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá theo tiêu chuẩn của quốc tế, nước ngoài trong trường hợp chưa được ban hành; công trình điện gió ngoài khơi được áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo tiêu chuẩn của quốc tế, nước ngoài trong trường hợp chưa được ban hành...
Nhà đầu tư lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi bao gồm: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hoặc lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Nhà đầu tư thực hiện khảo sát tại điểm b khoản 2 Điều 27 của Luật này trong trường hợp khu vực khảo sát và quy mô của dự án phù hợp quy hoạch phát triển điện lực lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư.
Nội dung hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, hồ sơ đề nghị chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư hoặc Luật Đầu tư công hoặc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các nội dung sau: Dự kiến vị trí, tọa độ và diện tích khu vực biển sử dụng thay cho tài liệu xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư; dự kiến thời gian sử dụng khu vực biển.
Các dự án điện gió ngoài khơi được lựa chọn nhà đầu tư như sau: Dự án đầu tư công thực hiện theo pháp luật về đầu tư công; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án đầu tư kinh doanh thực hiện theo pháp luật về đầu tư.
Trừ trường hợp dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi sau đây: Dự án không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vì lý do quốc phòng, an ninh theo ý kiến của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an; Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi bán điện lên hệ thống điện quốc gia thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về đấu thầu. Mức trần giá điện trong hồ sơ mời thầu không cao hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành. Giá điện trúng thầu lựa chọn nhà đầu tư là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu.
Điều 25. Tháo dỡ công trình thuộc dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới thuộc Mục 1, Chương III của Luật Điện lực (sửa đổi) cũng quy định: Công trình thuộc dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phải tháo dỡ sau khi chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau: Khi hết thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng nếu không được gia hạn thời hạn sử dụng theo pháp luật về xây dựng; khi hết thời hạn hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc hết thời hạn hoạt động dự án đầu tư nhưng không được gia hạn; khi có sự khác nhau về thời hạn theo điểm a và điểm b khoản này, việc tháo dỡ sau khi chấm dứt hoạt động thực hiện theo điều kiện đến trước. Đối với nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió sau khi chấm dứt hoạt động, việc tháo dỡ, thu hồi, xử lý, quản lý chất thải, vật liệu, phế liệu phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu khôi phục lại mặt bằng và môi trường sau khi tháo dỡ nhà máy. |