Quảng Trị: Ngành điện góp phần làm nên thương hiệu “cam K4 Hải Phú”
Tiêu biểu trong số đó là gia đình anh Trần Kim Phúng - một trong những chủ trang trại làm giàu từ mô hình trồng cam K4. Anh Phúng cho biết, trước đây việc trồng cam ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn bởi ở đây chưa có điện, chi phí cho sản xuất của người trồng cam, chanh ở K4 sẽ tốn kém hơn những vùng canh tác khác. Biết rằng, vùng này trồng cam và chanh đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng do không chủ động trong khâu tưới nước vì thế người dân không dám mở rộng diện tích trồng trọt.
Diện tích trồng cam trên vùng đồi K4 được người dân mở rộng canh tác kể từ khi nơi đây có điện |
“Lâu nay, chỉ riêng việc tưới nước cho vườn cam đều bằng máy nổ chạy dầu, điện sinh hoạt dùng bình ắc quy, mỗi tháng gia đình tốn khoảng 10 triệu đồng chi phí nhiên liệu, chưa kể đến các chi phí khác phục vụ sinh hoạt”, anh Phúng cho biết thêm.
Theo Anh Phúng, sau hơn 12 năm gắn bó với trang trại, giờ chúng tôi mới thấy được giá trị của nguồn điện kéo về vùng gò đồi này. Sau khi chuyển đổi hệ thống tưới tiêu, tăng diện tích canh tác, hiện vườn cam nhà anh Phúng là một trong những hộ được chọn làm mô hình điểm trong trồng cam hữu cơ sạch, với 2ha vườn cam của anh hiện đạt năng suất và chất lượng rất cao. Riêng niên vụ năm 2019, cam K4 vừa được mùa, được giá, trung bình mỗi ha đạt từ 35-40 tấn, cam được thương lái thu mua tận vườn với giá từ 15.000-20.000/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình Phúng anh thu lãi được 500-600 triệu đồng.
Trạm biến áp100kVA cấp điện cho các nông trại sản xuất cây ăn quả khu vực K4 |
Ông Phan Hồng Cẩm - Giám đốc Điện lực Thành Cổ (Công ty Điện lực Quảng Trị) - cho biết, thấy được tiềm năng của vùng sản xuất cây ăn quả cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, năm 2017, Điện lực Thành Cổ đã đầu tư xây dựng, kéo điện về đến K4 với chiều dài 6,2km đường dây trung thế, một trạm biến áp 100kVA và nhiều nhánh đường dây hạ thế cấp điện cho các nông trại. Có điện lưới với giá rẻ không còn phải lo dùng máy nổ chạy dầu, ắc quy, người dân có điều kiện mở rộng diện tích vườn cam, chanh, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để giảm nhân công lao động và nguồn nước tưới.
Cam K4 hiện nay được xem là đặc sản của vùng quê Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), nơi đây khoảng 15 năm về trước chỉ là rừng trồng tự nhiên, đất đai cằn cỗi. Nhưng nay vùng đồi này đã trở thành những nông trại trồng cam trù phú. Sản phẩm cam K4 Hải Phú được người dân trong nước lựa chọn, trở thành một thương hiệu nỗi tiếng trên toàn quốc. Những năm gần đây, sản phẩm “cam K4” Quảng Trị được đưa vào bán ở hệ thống cửa hàng, siêu thị, có mặt khắp nơi trên thị trường. Việc phát triển cây cam đã mang đến cho người dân nhiều lợi nhuận.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng, trung bình mỗi vụ sau khi trừ chi phí, cây cam mang lại thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha/vụ, cam hữu cơ có thể đạt đến 450-500 triệu đồng. Địa phương cũng đã đăng ký thành công nhãn hiệu “Cam K4 Hải Phú” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu.
Ông Phan Hồng Cẩm - Giám đốc Điện lực Thành Cổ cho biết thêm, thời gian qua, ngành điện luôn đồng hành và mạnh dạn đầu tư nhiều hệ thống lưới điện tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngàn hộ nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó, “tiếp sức” cho nông thôn phát triển, nông dân có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất vươn lên làm giàu.