Phát huy lợi thế có sẵn
Quảng Ninh có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, thuộc tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có đường biên giới trên bộ và trên biển, với chiều dài bờ biển trên 250 km, có 6 khu vực hàng hải bao gồm: Vạn Gia, Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả - Cửa Đối, Hòn Gai và Quảng Yên. Hệ thống cảng biển với nhiều cảng nước sâu, có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn, đồng thời, có tiềm năng qũy đất để phát triển các dịch vụ logistics hỗ trợ cảng và các dịch vụ du lịch biển đảo, chuyển tải hàng hóa.
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển |
Với lợi thế đó, Quảng Ninh rất thuận lợi trong kết nối giao thông, giao thương với các tỉnh, thành phố trong vùng, cả nước và quốc tế thông qua tất cả các phương thức vận tải, đặc biệt là phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển. Giai đoạn 2014-2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Quảng Ninh đạt trên 360 triệu tấn, hành khách đạt trên 490.000 lượt. Hiện có 11 loại thuộc 3 nhóm dịch vụ cảng biển đang được triển khai, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt khoảng 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 14,9%/năm; tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng thêm của dịch vụ cảng biển trong GRDP là 0,42%.
Một trong những cảng biển lớn, có nhiều lợi thế của tỉnh Quảng Ninh là cảng Cái Lân, ông Ngô Tùng Dương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Cái Lân - cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng hàng xuất nhập khẩu (XNK) qua cảng đạt trên 6,67 triệu tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, xuất khẩu đạt 2,46 triệu tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018 (hàng hóa chủ yếu là dăm gỗ, gỗ viên nén, xi măng...); nhập khẩu đạt trên 4,27 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018 (hàng hóa chủ yếu là thép phế liệu, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi...). Còn lượng hàng container tuyến tàu ACS vẫn duy trì tần suất 1 chuyến/1 tuần. Kim ngạch XNK đạt trên 2.044 triệu USD. Tổng số doanh nghiệp (DN) hoạt động XNK 10 tháng đầu năm 2019 là 231 DN, tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng ngày một thuận lợi và hoàn thiện, giúp kết nối chặt chẽ các cảng, cụm cảng, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp và cửa khẩu của tỉnh cũng như trong vùng. Những năm qua, cảng biển Quảng Ninh đã không ngừng đầu tư phát triển mở rộng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật, đáp ứng mọi nhu cầu về xếp dỡ, vận tải, bảo quản hàng hóa, kinh doanh kho bãi và các dịch vụ hàng hải khác.
Cảng biển Quảng Ninh chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng |
Đặc biệt, xác định được tầm quan trọng của cảng biển trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, thời gian qua, các cơ quan thực thi công vụ tại cảng đã có nhiều nỗ lực, phối hợp tốt, có những giải pháp mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ tối đa các quy trình thủ tục, mức phí và lệ phí theo quy định.
Ông Lê Thanh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vạn Gia - chia sẻ, việc tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa, không chỉ là nhiệm vụ riêng tại chi cục, mà trong toàn ngành hải quan, theo đó Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng và có những chỉ đạo quyết liệt.
“Việc cải cách TTHC không chỉ đợi đến khi tổ chức các hội nghị DN mới tiếp nhận và giải quyết vướng mắc cho DN, mà được chúng tôi thực hiện thường xuyên, hàng ngày, ngay tại khi DN làm thủ tục XNK hàng hóa. Như vậy, mới mang tính chất nhanh chóng, kịp thời và đảm bảo cho hoạt động XNK được lưu thông thông suốt” - ông Lê Thanh Bình nói.
Tập trung nguồn lực phát triển
Trong chiến lược phát triển, Quảng Ninh phấn đấu trở thành một trong những trung tâm dịch vụ - du lịch - thương mại hiện đại, lớn của cả nước. Kinh tế biển được xác định đóng vai trò quan trọng đối với kế hoạch này. Định vị lại tiềm năng, lợi thế từ biển, ngày 23/4/2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu xây dựng khu vực cảng biển Quảng Ninh được định vị và có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và quốc tế.
Đồng thời, doanh thu dịch vụ cảng biển góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng, tỷ trọng đóng góp ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh; hình thành các trung tâm dịch vụ logistics chất lượng cao; khai thác tiềm năng, phát triển đa dạng các loại dịch vụ có lợi thế; phát triển mạnh du lịch biển, trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.
Theo đó, giai đoạn 2019-2025, phấn đấu doanh thu từ cảng biển đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 114,5-122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt... Đến năm 2025, dịch vụ cảng biển đóng góp khoảng 1,2 - 1,5% trong GRDP của tỉnh. Giai đoạn 2026-2030, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 18,5%. Đến năm 2030, dịch vụ cảng biển đóng góp khoảng 3-3,5% trong GRDP của tỉnh…
Để đạt được các mục tiêu, Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; phát triển dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics; phát triển hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối; huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển; phát triển nguồn nhân lực…
Ông Ngô Tùng Dương đề xuất, để phát triển dịch vụ logistics theo đúng định hướng, đưa Quảng Ninh đến năm 2025 thành một trung tâm logistics của miền Bắc thì yêu cầu phải có hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, kết nối giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đề nghị với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải bố trí nguồn vốn đầu tư, sớm hoàn thành dự án đường sắt Cái Lân - Yên Viên, kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc để việc vận tải hàng hóa được thuận lợi, phát triển dịch vụ logistics liên vận quốc tế, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cảng biển; hàng năm bố trí kinh phí nạo vét luồng lạch, đảm bảo độ sâu tiêu chuẩn theo đúng thiết kế…
Nghị quyết 15-NQ/TU xác định, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho phát triển cảng biển, đẩy nhanh tiến độ, lộ trình để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển Quảng Ninh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm… |