Quảng Ninh vươn mình cùng hệ thống cảng biển hiện đại
Hạ tầng cảng biển giữ vai trò trung tâm
Sở hữu 250km bờ biển với trên 6.000km2 mặt nước, nhiều khu vực nước sâu, kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu, Quảng Ninh có lợi thế vượt trội trong phát triển kinh tế biển.
Nhận diện rõ những tiềm năng, lợi thế mang lại cho tỉnh từ hệ thống cảng biển, dịch vụ cảng biển trong cơ cấu kinh tế, Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về "Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đạt 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 17,5%/năm, đóng góp khoảng 1,2%-1,5% trong GRDP của tỉnh; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng 114,5-122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt khách.
Hàng hóa tập kết tại Cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương |
Theo Quyết định số 508/QĐ-BGTVT ngày 2/4/2021 của Bộ Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 13 bến cảng. Đến nay, toàn bộ các bến cảng này đều được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023.
Nổi bật trong số đó, có 5 bến cảng (Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Vạn Ninh, Vạn Gia và bến cảng huyện đảo Cô Tô), 4 khu bến (Cái Lân, Cẩm Phả, Yên Hưng, Hải Hà), cảng cạn ICD Móng Cái và nhiều các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, khu neo đậu, tránh trú bão tại TP. Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Hải Hà, Cô Tô…
Từ năm 2020 đến nay, thông qua mở rộng cơ chế thông thoáng và tạo điều kiện tối đa để thu hút các nhà đầu tư cho hạ tầng cảng biển, tỉnh Quảng Ninh luôn thể hiện rõ quan điểm đồng hành cùng các nhà đầu tư trọng vòng đời dự án qua việc tập trung tháo gỡ bất cập, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nhất là các loại hình dịch vụ đại lý hàng hải, cung ứng thiết bị tàu biển, cho thuê bến bãi.
Tỉnh cũng triển khai các chính sách hỗ trợ bền vững, lâu dài cho chủ tàu, chủ hàng, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ khi lựa chọn khu vực cảng biển Quảng Ninh. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ chủ cảng, bến tìm kiếm đối tác là các hãng tàu, chủ hàng, công ty kinh doanh logistics.
Tỉnh xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ cảng biển và khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành nghề tham gia hiệp hội để hỗ trợ, giúp nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng lợi thế cạnh tranh.
Tỉnh Quảng Ninh đã thu hút gần 65.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 10 dự án hạ tầng, dịch vụ cảng biển kể từ năm 2020 đến nay.
Quảng Ninh hiện có 8 khu bến cảng và 2 khu neo đậu, chuyển tải, đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng, được Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, đảm nhận trên 50% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, liên vùng, cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế.
Đưa cảng biển trở thành động lực phát triển kinh tế biển
Cùng với việc hoạch định đầu tư các cảng biển, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước và ngoài xã hội đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, gắn kết phát triển các trung tâm kinh tế, thương mại gần hơn với các cảng biển.
Ngoài dự án cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã được đầu tư hoàn thành, kết nối các khu vực cảng biển gần hơn với nhau, thì hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang dành nguồn lực đầu tư tuyến đường ven sông kết nối một loạt các cảng biển tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên với các trung tâm phát triển trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận; đầu tư mở các nút giao trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với các khu công nghiệp, cảng biển tại Quảng Yên; đầu tư tuyến đường giao thông kết nối cảng Vạn Ninh với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Toàn cảnh bến cảng cao cấp Ao Tiên. Ảnh: Minh Đức |
Qua thống kê của tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn 2019-2023, tổng công suất khai thác hệ thống cảng biển Quảng Ninh khoảng 170 triệu tấn/năm, chủ yếu sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống khu vực hàng hải Hòn Gai (công suất khai thác tối đa 50 triệu tấn/năm), công suất khai thác bình quân đạt 77,5%.
Còn khu vực Cẩm Phả, công suất khai thác tối đa 120 triệu tấn/năm), công suất khai thác bình quân đạt 64,3 triệu tấn/năm.
Nhìn chung, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Quảng Ninh đạt 38,6 tỷ USD, bình quân mỗi năm đạt 7,72 tỷ USD.
10 tháng năm 2024, hoạt động cảng biển và logistics tại Quảng Ninh đều tăng. Các cảng trên địa bàn tỉnh đón hơn 120.000 lượt phương tiện tàu biển các loại, tăng 7% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng hàng hóa đạt gần 125 triệu tấn, tăng 10% so cùng kỳ. Đặc biệt, lượng hành khách đến tỉnh thông qua các cảng biển đạt hơn 90.000 người, tăng trên 400% so cùng kỳ năm 2023.
Với vai trò đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, hệ thống hạ tầng cảng biển của Quảng Ninh đang từng bước được quan tâm, ưu tiên đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển giao thông biển quốc tế, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Điều này, giúp các chủ hàng, doanh nghiệp logistics vững tin, yên tâm và đưa hàng đến với các cảng của Quảng Ninh. Từ đó, không chỉ góp phần quan trọng đưa cảng biển trở thành nền kinh tế mũi nhọn, mà còn đóng góp đáng kể đối với sự tăng trưởng của tỉnh trong năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU vào đầu tháng 10 vừa qua, bà Trịnh Thị Minh Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh: Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, nỗ lực của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, kinh tế cảng biển và dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển đúng hướng, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là tiền đề quan trọng để tới đây tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế biển.