Thứ hai 23/12/2024 06:36

Quảng Ninh ưu tiên thu hút đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp

Quảng Ninh luôn ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh với những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tại hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021 ngày 17/12.

Hội nghị do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021 với chủ đề “Quảng Ninh - Hội tụ và lan tỏa”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu ở Hà Nội (Việt Nam) và Tokyo (Nhật Bản).

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư - ông Trần Quốc Phương cho rằng hội nghị xúc tiến đầu tư lần này được tỉnh Quảng Ninh tổ chức là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh kêu gọi, thu hút dự án đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực cũng là thế mạnh của doanh nghiệp Nhật Bản như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics, cảng biển... cũng như tiếp tục cụ thể hóa cam kết của các nhà lãnh đạo 2 nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. (Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định quan điểm sẽ luôn đồng hành với tỉnh Quảng Ninh, với các nhà đầu tư Nhật Bản cùng hợp tác, vượt qua những thách thức, tận dụng những cơ hội mới, thúc đẩy đầu tư cũng như phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững, hai bên cùng có lợi giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Yamada Taikio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao cơ sở hạ tầng của tỉnh Quảng Ninh. Tuy số lượng doanh nghiệp Nhật Bản vào Quảng Ninh chưa nhiều, song nhu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh là cao, do vậy, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực biết tiếng Nhật và đề nghị thành lập khoa tiếng Nhật trong Trường đại học Hạ Long.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - Ông Nguyễn Xuân Ký tin tưởng với những cam kết đồng hành mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Quảng Ninh sẽ mở ra cơ hội mới, tương lai mới về mối quan hệ hữu nghị, về đầu tư, hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến của Nhật Bản với Quảng Ninh.(Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh)

“Quảng Ninh cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh và đem sức mạnh lan tỏa, chia sẻ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tỉnh phát triển song hành” - ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ.

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ninh, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, 2 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh và Tập đoàn Marubeni, Tập đoàn KDDI (Nhật Bản) đã được ký kết.

Đại diện Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh và đại diện Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) trao biên bản ghi nhớ hợp tác.(Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh)

Cũng tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đưa ra đề xuất tỉnh Quảng Ninh có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phòng, chống dịch Covid-19; sử dụng năng lượng sạch; công tác quy hoạch; quản lý lao động; chính sách ưu đãi thuế…

Tiếp thu các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo, ngay sau hội nghị, tỉnh sẽ thành lập một tổ hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh với tinh thần Quảng Ninh sẽ làm những gì có thể để nhà đầu tư thuận lợi nhất triển khai dự án. Đồng thời, thành lập đầu mối tiếp nhận các thông tin phản ánh y tế 24/7 của nhà đầu tư Nhật Bản nhằm xử lý các tình huống phát sinh. Đối với nguồn lao động, tỉnh cam kết sẽ vừa tập trung đào tạo tại chỗ, vừa thu hút nhân lực chất lượng cao và sẽ tập trung ưu tiên đào tạo các ngành nghề và doanh nghiệp Nhật Bản cần.

Đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản phát biểu ý kiến, đưa ra các đề xuất tại hội nghị.(Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh)

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị, chiều ngày 17/12, các đại biểu tham dự chương trình khảo sát thực địa tại KCN Bắc Tiền Phong, KCN Sông Khoai để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án tại địa bàn có cơ chế, chính sách ưu đãi nhất cả nước hiện nay là Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên.

Hiện Nhật Bản có trên 4.700 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt gần 64 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, số vốn đầu tư đăng ký vẫn đạt trên 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, đối với Quảng Ninh số lượng các dự án của Nhật Bản còn rất khiêm tốn - chỉ 6 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 45 triệu USD.
Tiến Dũng

Tin cùng chuyên mục

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)

Bài cuối - Giải pháp đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững