Quảng Ninh: Ứng dụng công nghệ nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP
Chương trình có sự tham gia của gần 100 đơn vị, sở, ngành liên quan và doanh nghiệp OCOP, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh. Thông qua chương trình, các nội dung liên quan đến việc sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm OCOP; các công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, ứng dụng thương mại điện tử đối với sự phát triển sản phẩm OCOP… đã được các doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước cùng trao đổi, thảo luận. Ngoài ra, các thông tin về chính sách của trung ương và tỉnh Quảng Ninh về phát triển KH&CN cũng được chia sẻ tại buổi gặp mặt.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đã được chia sẻ tại buổi gặp |
Tại chương trình, ông Nguyễn Văn Đức - Phó Trưởng ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh - cho rằng: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị thông qua việc thực hiện thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy nguồn lực tại địa phương về nhân lực, trí tuệ, nguyên liệu, văn hóa, cảnh quan… Do vậy, việc triển khai thực hiện chương trình cần có sự bền bỉ và thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo.
Ông Hoàng Vĩnh Khuyến - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh - chia sẻ: Chương trình có sự tham gia của 3 thành tố quan trọng: Những người sản xuất sản phẩm OCOP Quảng Ninh; những nhà khoa học mang đến những công nghệ, giải pháp có thể ứng dụng vào cuộc sống, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP và các nhà quản lý phụ trách trực tiếp phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.
“Khoa học công nghệ phải gắn với sản xuất và đời sống. Chính vì vậy, thông qua chương trình này, chúng tôi hy vọng có thể kết nối để công nghệ vào cuộc sống, đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng cộng đồng nhà sản xuất các sản phẩm OCOP qua đó nâng tầm sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh” - ông Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết.