Thứ tư 27/11/2024 02:38

Quảng Ninh: Sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông nghiệp

Cùng sự góp sức từ nguồn vốn khuyến công, Công ty TNHH MTV PT Computer (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông nghiệp. Mô hình được thực hiện không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho đối tượng thụ hưởng mà còn tạo lợi ích xã hội thiết thực.
Sản xuất than sạch tại Công ty TNHH MTV PT Computer

Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường

Đề án “Mô hình trình diễn sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông – lâm nghiệp” nằm trong dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than sạch do Công ty TNHH MTV PT Computer thực hiện. Dự án có tổng kinh phí thực hiện 2,05 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp 250 triệu đồng đầu tư máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất. Theo đại diện đơn vị thụ hưởng, nguyên liệu dùng đun, nấu của người dân trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện chủ yếu có hai loại chính là gas và chất đốt. Tuy nhiên, sử dụng gas có nhược điểm giá thành cao, không ổn định, mức độ nguy hiểm cao và là nguồn năng lượng có hạn, không thể tái sinh. Các loại chất đốt lại tạo ra khói, bụi ảnh hưởng đến môi trường, lượng nhiệt thất thoát lớn...

Cùng đó, Tiên Yên là huyện miền núi thuộc khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, đất rừng là tài nguyên lớn nhất của huyện với 29.330 héc-ta, đây cũng là một lợi thế đảm bảo nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất than sạch.

Trước thực trạng trên, Công ty TNHH MTV PT Computer đã tích cực tìm hiểu và áp dụng công nghệ chế biến phụ phẩm nông - lâm nghiệp thành sản phẩm than sạch. Theo đó, các phụ phẩm nông - lâm nghiệp như: Rơm rạ, lá cây, cành cây… được nghiền nhỏ, qua quá trình ép nén ở nhiệt độ cao chế biến thành các thanh nhiên liệu có thể dùng thay cho củi, hay sử dụng cho bếp hóa khí thay thế cho gỗ, than đá, dầu nhiên liệu, khí đốt tự nhiên. Từ thanh nhiên liệu đã ép được đốt trong lò các-bon để tạo thành sản phẩm than sạch có thể thay thế cho sản phẩm than hoa với giá thành rẻ hơn nhiều lần. Than sạch có nhiều ưu điểm như: Kích thước nhỏ, khối lượng của sản phẩm từ 800 - 1.300 kg/m3; nhiệt lượng khi đốt cháy tỏa ra cao gấp 50% - 70% so với nguyên liệu thông thường. Đáng chú ý, than sạch trong quá trình đốt cháy không có dư lượng, khói, sulfur dioxide và các khí độc hại khác nên không gây ô nhiễm môi trường.

Báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và triển vọng thị trường của đơn vị thụ hưởng cũng cho thấy, than sạch là một nguồn năng lượng tái tạo mới, sạch và có chi phí thấp hơn nhiều so với giá than đá, than hoa, hay củi, có phạm vi ứng dụng rất rộng vì vậy triển vọng tiêu thụ sản phẩm rất khả quan.

Sau khi đạt 100% công suất, đề án sẽ giúp doanh nghiệp đạt 6% tỷ suất lợi nhuận sau thuế, thời gian thu hồi vốn là khoảng 5 năm.

Hỗ trợ nhân rộng mô hình

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế có thể nhận thấy, đề án “Mô hình trình diễn sản xuất than sạch từ phụ phẩm nông - lâm nghiệp” còn mang lại hiệu quả xã hội thiết thực khi là đề án điển hình trong tiết kiệm năng lượng gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi nhận thức, phương thức sử dụng năng lượng trong sản xuất cũng như tiêu dùng năng lượng trong sinh hoạt của bà con trong vùng. Hình thành được mô hình gắn kết nông - lâm - công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm với bảo vệ môi trường. Đề án cũng đã giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương với thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Thực tế, sau khi đi vào hoạt động, sản phẩm than sạch được tạo ra có chất lượng tốt, có ưu điểm về giá thành đã được người tiêu dùng chấp nhận. Đặc biệt, với nguồn nguyên liệu phong phú, rẻ tiền và dây chuyền công nghệ tiên tiến, than sạch đã và đang tạo được niềm tin cho khách hàng và chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường ngay cả khi thị phần than đốt ngày càng có sự cạnh tranh quyết liệt.

Được biết, để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp khác vào lĩnh vực này và nhân rộng mô hình, khuyến công Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động quảng bá cho sản phẩm than sạch. Cụ thể, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh phối hợp với đối tượng thụ hưởng hoàn thiện hồ sơ, tài liệu về quy trình kỹ thuật sản xuất than sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức quan tâm, tìm hiểu; hỗ trợ sản phẩm tham gia các kỳ hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh…

Việt Nga

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số