Ngành Công Thương Quảng Ninh chủ động tháo gỡ khó khăn trong kinh doanh xăng dầu Ngành Công Thương Quảng Ninh: Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do |
Năm 2022, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tác động của biến động giá nguyên, nhiên liệu trên thế giới, nhưng hoạt động công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về cơ bản duy trì tốc độ phát triển ổn định.
Công nghiệp và thương mại phát triển ổn định
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh, trong đó có ngành Công Thương tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, bên cạnh đó, những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng, lao động, ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Năm 2022, ngành Công Thương Quảng Ninh thường xuyên đưa ra các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó cho doanh nghiệp |
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng trên cơ sở tiếp nối thành quả giữ vững địa bàn "An toàn - Ổn định - Phát triển", ngành Công Thương đã đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp khoảng 5,09/10,28 điểm % GRDP với tỷ trọng chiếm gần 60% GRDP toàn tỉnh Quảng Ninh, góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lĩnh vực công nghiệp duy trì hoạt động ổn định với tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành năm 2022 ước tăng 7,85% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 45% trong GRDP và đóng góp 3,45 điểm % trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh. Khai khoáng vẫn duy trì cơ cấu lớn nhất trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 18,3%), tốc độ tăng trưởng ước tăng 8,68% so với cùng kỳ, đóng góp 1,59 điểm % tăng trưởng GRDP và khoảng 37,2% thu ngân sách nội địa tỉnh. Điện giảm 0,59% so với cùng kỳ, tuy nhiên, vẫn là ngành có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 14,8%) với đóng góp 0,08 điểm % trong tốc độ tăng trưởng GRDP.
Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo có cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng lớn thứ ba trong nền kinh tế của tỉnh (chiếm 11,5%), với mức tăng trưởng 16,54% so với cùng kỳ, đóng góp 1,93 điểm % trong tốc độ tăng GRDP. Ngành Công Thương Quảng Ninh đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - khẳng định: "Sở đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đã tiếp cận và tận dụng được các ưu đãi, cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đã mang lại".
Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập, mở rộng diện tích 08 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 443,97 ha, trong đó 05 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 312,74 ha, đã thu hút được 421 dự án thứ cấp với 5.129 lao động, tỷ lệ lấp đầy bình quân là 65,38%.
Trong lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 73.857 nghìn tỷ đồng, tăng 18,05% cùng kỳ. Trong đó, bán buôn, bán lẻ ước tăng 15,7%, chiếm tỷ trọng 9,9% trong GRDP, đóng góp 1,4 điểm % trong tốc độ tăng GRDP. Thương mại điện tử của tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã đưa 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3-5 sao)/499 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử ước đạt 7.976 nghìn tỷ, đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước thực hiện cả năm 2022 đạt 2.783 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.035 triệu USD.
Phát huy nguồn lực, tạo chuyển biến toàn diện
Năm 2023, ngành Công Thương Quảng Ninh dự kiến sản xuất than sạch có thể đạt 42,053 triệu tấn, sản lượng điện dự kiến đạt 34,565 tỷ kWh. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 81.611 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với ước thực hiện năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh có thể đạt 2.991 triệu USD.
Hội chợ OCOP được ngành Công Thương tổ chức thành công, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ |
Được biết, để thực hiện được những mục tiêu trên, ngành Công Thương tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản cho những tình huống dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn.
Đồng thời, tập trung làm tốt công tác dự báo, tham mưu để chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực của ngành. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại theo hướng hiện đại, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại hiện đại phục vụ khách du lịch và nhân dân. Tăng cường xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường công tác quản lý nhà nước về công thương và đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh phát triển công nghiệp như khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo… Từ đó, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới, phát triển, hội nhập của tỉnh Quả ng Ninh trong năm 2023.
Năm 2023, ngành Công Thương Quảng Ninh sẽ tiếp tục chú trọng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế của tỉnh như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ… Trong đó, ưu tiên lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phù hợp. |