Hiện toàn bộ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ninh đều duy trì hoạt động ổn định với trên 33.000 lao động tham gia sản xuất tại khắp các nhà máy, phân xưởng sản xuất. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang từng bước trở thành trụ cột chính trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng ưu tiên đặc biệt cho những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do đó, những cơ hội việc làm rộng lớn đã và đang được mở ra.
Ước tính, Quảng Ninh đang thiếu từ 20.000-30.000 lao động mỗi năm. Còn theo khảo sát tại Đề án "Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030", riêng lao động trong ngành công nghiệp chế biến cần có đến năm 2025 là khoảng 129.000 lao động; đến năm 2030 là 178.500 lao động.
Nhu cầu nguồn lao động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh đang rất lớn |
Đối với lĩnh vực dịch vụ - du lịch, dù gặp phải khó khăn lớn, kéo dài suốt hơn 2 năm do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này của tỉnh cũng đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Đồng nghĩa với việc dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi... cũng sẽ tăng mạnh.
Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã xác định, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược và coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, nắm bắt nhu cầu lao động rất lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19, ngành lao động - thương binh và xã hội thông qua đầu mối là Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh - đã chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động.... Điển hình, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, trên 2.700 căn hộ, đáp ứng chỗ ở gần 8.000 công nhân. Tại Tổng công ty Đông Bắc hiện đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng số trên 1.000 căn nhà chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân. Tại các khu công nghiệp cũng đang dần hình thành nhiều khu nhà tập thể cho công nhân, tỉnh Quảng Ninh cũng đang chủ trương dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, người lao động.
Ông Vũ Quang Trực - Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Quảng Ninh - cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ bám sát các chỉ đạo, định hướng của tỉnh, để tập trung chỉ đạo, phối hợp, liên kết đào tạo trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo. Đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo dự báo nhu cầu sử dụng lao động của Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030 còn tiếp tục tăng cao, ước đến năm 2025 là khoảng 798.000 người và đến năm 2030 cần trên 874.000 người; trong đó, tập trung ở một số ngành, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải, kho bãi, công nghệ thông tin…