Quảng Ngãi: Công nghiệp là “chủ công”phát triển trong thời gian tới
Trong 5 năm 2015-2020, quy mô tổng sản phẩm GRDP của tỉnh Quảng Ngãi tăng khá, đạt 4,83%. Năm 2020, GRDP của tỉnh ước đạt gần 82.600 tỷ đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2015. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm ước đạt hơn 90 nghìn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu trung ương giao. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 133 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 4,49%/năm. Tỷ lệ lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 32% tổng lao động của tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung phát triển kinh tế biển, giá trị sản xuất của các huyện ven biển và huyện đảo Lý Sơn bình quân tăng 13,8%/năm. Các ngành kinh tế biển, nhất là lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến, chế tạo dựa trên ưu thế của cảng biển nước sâu phát triển. Ngành luyện kim, sản xuất kim loại hình thành và phát triển rõ nét với quy mô lớn gắn với cảng nước sâu Dung Quất.
Cảng biển tổng hợp quốc gia Dung Quất - Quảng Ngãi |
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, trong đó tổng vốn huy động 5 năm ước đạt hơn 143,5 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao, tăng từ khoảng 59% năm 2015 lên khoảng 78% năm 2020.
Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Quảng Ngãi - cho hay, mặc dù tình hình dịch bệnh có ảnh hưởng đến sản xuất và phân phối sản phẩm, tuy nhiên ngành công nghiệp dự kiến đạt kế hoạch là 95-97%, bán lẻ hàng hóa và cung ứng dịch vụ đạt tỷ lệ rất cao so với khu vực, riêng xuất khẩu đã về đích đạt 1 tỷ USD.
Các doanh nghiệp trên địa bàn được Quảng Ngãi hỗ trợ tích cực trong các công tác thủ tục hành chính, tạo điều kiện đầu tư kinh doanh. Ông Hồ Đức Thọ - Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất - cho biết, năm 2020 sản lượng của Hòa Phát đạt hơn 3 triệu tấn, đóng góp lớn cho địa phương, doanh nghiệp có hơn 10.000 lao động, thu nhập gần 1.000 tỷ đồng. Thời gian qua, lãnh đạo và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã luôn đồng hành và hỗ trợ công ty rất nhiều, đặc biệt là các vấn đề khó khăn trong thủ tục, giải phóng mặt bằng, pháp lý, triển khai thi công, hỗ trợ nguồn nhân lực.
Theo bà Trần Thị Mỹ Ái - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi, trong giai đoạn vừa rồi, thu hút nhiều dự án, cụ thể có khoảng gần 700 dự án ngoài ngân sách đang được cấp chủ trương đầu tư, 2/3 đi vào hoạt động. Rơi vào giai đoạn 2016-2020 là khoảng 565 dự án, đó là bước đột phá mạnh mẽ thu hút đầu tư giai đoạn này”.
Trong nhiệm vụ đột phá về phát triển hạ tầng đô thị và các khu công nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, kết nối giao thông cũng như tạo động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp, nhiều công trình trọng điểm đã được đưa vào hoạt động như cầu Thạch Bích và sắp tới đây là thông xe cầu Cổ Lũy.
Công nhân ngành dệt may tại một xưởng sản xuất ở Quảng Ngãi |
Từ những kết quả đã đạt được, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đang quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, tập trung phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong giai đoạn mới.
Ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - chia sẻ, chỉ tiêu đặt ra của tỉnh Quảng Ngãi trong nhiệm kỳ 2020-2025 là tăng trưởng từ 7-8%, đây là một chỉ tiêu đặt ra rất cao để có sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trong nhiệm kỳ tới. Một trong những chỉ tiêu cao nhất chúng tôi đặt ra đó là cơ cấu kinh tế công nghiệp đóng góp cho tăng trưởng là 40%. Cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là đồng thuận nhân dân thì chắc chắn việc phát triển kinh tế xã hội sẽ mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới.
Với những kết quả trên, Quảng Ngãi đang phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung.