Đó là nhận định và là nội dung thảo luận chính của Hội thảo “Du lịch thông minh: Ứng dụng công nghệ 4.0 và giải pháp cấu trúc ngành du lịch - dịch vụ thời kỳ hậu Covid-19” do Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Nam phối hợp với Vườn ươm Sông Hàn (Songhan Incubator), Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức tại TP. Hội An, ngày 16/7.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhận định hành vi của khách du lịch đã có sự thay đổi mạnh sau Covid - 19 theo hướng "số hóa du lịch" vì vậy doanh nghiệp Quảng Nam cũng cần thích ứng để khôi phục du lịch |
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh tỉnh Quảng Nam và cả nước đang nỗ lực tìm các giải pháp để khôi phục hoạt động du lịch - ngành “công nghiệp không khói” sau những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đối với lĩnh vực này trong nước và dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, biên giới nhiều quốc gia vẫn đóng chặt, các đường bay quốc tế chưa được nối lại.
“Chúng tôi kỳ vọng hội thảo sẽ đưa ra được những giải pháp để doanh nghiệp du lịch Quảng Nam nói chung, du lịch cộng đồng Quảng Nam nói riêng có thể đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường hiệu quả quảng bá xúc tiến du lịch. Đặc biệt, Quảng Nam xác định chọn TP. Hội An và TP. Tam Kỳ định hướng trở thành đô thị thông minh, thì việc ứng dụng các giải pháp 4.0 là cần thiết hơn bao giờ hết”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Nam - ông Lê Ngọc Tường nói.
Theo ông Tường, Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch với nhiều giá trị đặc sắc. Thực tế đã chứng minh du lịch Quảng Nam trong thời gian qua đã phát triển khá tốt khi lượng khách du lịch liên tục tăng (năm 2019, Quảng Nam đón 7,6 triệu lượt khách), tỷ trọng đóng góp của du lịch vào tổng sản phẩm (GRDP) tỉnh ngày càng cao. Riêng tại Hội An, lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch đóng góp tới hơn 70% GRDP địa phương, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Hội An cũng liên tục được các trang tin du lịch uy tín của thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Dù vậy, kết quả trên vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng lợi thế của tỉnh. "Một trong những nguyên nhân là bởi Quảng Nam chưa tận dụng được du lịch thông minh để phát triển, việc ứng dụng các công nghệ, giải pháp thông minh. Quảng Nam chưa ứng dụng được công nghệ số vào đào tạo lao động, xử lý môi trường, hay quảng bá xúc tiến du lịch…”, ông Tường nói và cho biết thêm, Quảng Nam còn dư địa phát triển du lịch lớn, mặc dù trong thời gian qua Hội An và Duy Xuyên (thánh địa Mỹ Sơn) đã là điểm sáng du lịch nhưng khu vực phía Nam Quảng Nam chưa khai thác tốt lợi thế du lịch. Bản thân Hội An và Duy Xuyên cũng chưa ứng dụng tốt công nghệ.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhận định sau dịch Covid-19, hành vi đối với du lịch đã có sự thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ khách du lịch muốn đi du lịch sử dụng công nghệ để tiếp cận, tìm hiểu thị trường tăng đột biến, phần lớn khách du lịch đều có sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). “Hành vi của du khách thay đổi, vì vậy doanh nghiệp du lịch cần thích ứng để đưa các giải pháp ứng dụng công nghệ vào vận hành hoạt động để tăng hiệu quả nhưng tối ưu chi phí. Quan trọng nhất là phải đưa được công nghệ vào thực tế nhiều hơn”, ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội du lich Quảng Nam - nhận định.
Ông Lý Đình Quân - Giám đốc Vườn ươm Sông Hàn - cho rằng, từ thực tế vận hành du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy du lịch, nhất là du lịch cộng đồng như ở Hội An cần thiết phải có ứng dụng công nghệ, tuy nhiên, doanh nghiệp của Việt Nam cũng như Hội An hầu như chưa tận dụng được. Các doanh nghiệp du lịch vẫn quảng bá, xúc tiến, tìm kiếm khách thông qua các kênh truyền thống; các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn chưa tiếp cận được đối tượng chính là doanh nghiệp du lịch. Trong khi khách du lịch hiện chú trọng nhiều đến ứng dụng công nghệ để tìm kiếm điểm đến.
Quảng Nam khuyến khích các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh và vì vậy, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ là điều cần thiết hơn bao giờ hết |
Để vực dậy du lịch sau dịch Covid-19, các đại biểu đều cho rằng cần phải có sự ứng dụng, liên kết chặt chẽ với công nghệ số gắn với đổi mới sáng tạo, bên cạnh đó, chú trọng công tác truyền thông, nhất là truyền thông về Việt Nam, Quảng Nam, Hội An là điểm đến an toàn cho du khách.
Ông Lê Ngọc Tường cho biết, tỉnh Quảng Nam xác định xây dựng TP. Hội An và TP. Tam Kỳ trở thành đô thị thông minh, cùng với những dư địa về du lịch còn lớn, vì vậy trong thời gian tới tỉnh sẽ ứng dụng nhiều chương trình, phần mềm để quản lý, vận hành du lịch. Theo ông Tường, tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu hợp tác với 1 đơn vị tư vấn quốc tế để nghiên cứu, xây dựng phần mềm số hóa bản đồ du lịch, xây dựng cổng thông tin du lịch Quảng Nam vừa dịch vụ vừa thương mại; ứng dụng các app tự động, kết nối và truy cập tự động khi du khách đến Quảng Nam; phân tích hành vi và phản hồi của du khách khi du lịch, trải nghiệm ở Quảng Nam. Tỉnh cũng đang xây dựng hoàn thiện sản phẩm du lịch xanh, bộ tiêu chí sản phẩm du lịch xanh, hỗ trợ cho các dự án xanh thân thiện với môi trường….
"Việc ứng dụng giải pháp công nghệ phải tính đến làm sao tăng hiệu quả nhưng không làm giảm giá trị sản phẩm du lịch. Bởi hiện nhiều ứng dụng công nghệ giúp tối ưu chi phí cho du khách, doanh nghiệp, nhưng đồng thời kéo luôn chi phí cho du lịch xuống, khiến cho giá trị gia tăng từ sản phẩm du lịch giảm", ông Tường lưu ý.
Hội thảo cũng được nghe các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ giới thiệu những ứng dụng, giải pháp công nghệ trong du lịch như các phần mềm quản trị, điều hành doanh nghiệp, bán hàng tự động, lên lịch trình du lịch thông minh, giao dịch trực tuyến du lịch trải nghiệm (phù hợp với du lịch cộng đồng tại Quảng Nam)…